Thành công là không thất bại

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nếu theo cách tiếp cận "thành công là không thất bại" thì G20 ở Osaka phải được coi là thành công khi không bị tụt lùi so với năm ngoái ở Argentina.

Không bị thất bại

Kết thúc hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 tổ chức ở thành phố Osaka của Nhật Bản, các bên tham dự cuối cùng rồi cũng nhất trí được với nhau về tuyên bố chung và thông qua được văn kiện ấy.

Nó giúp cho hội nghị này không trở thành lần đầu tiên kể từ khi khuôn khổ diễn đàn G20 lần đầu tiên được nâng hạng lên thành hội nghị cấp cao năm 2008 kết thúc mà không có được tuyên bố chung để thông qua. Trên danh nghĩa chính thức, việc thông qua được tuyên bố chung này là bằng chứng để coi sự kiện đã thành công.

Trong thực chất, thành công của G20 ở hội nghị cấp cao thường niên năm nay lại là không bị thất bại mà cụ thể là không để cho hội nghị kết thúc mà không có tuyên bố chung để thông qua.

Trong bối cảnh tình hình chung không được thuận lợi và phía Mỹ vẫn tiếp tục cùng đội ngũ nhưng không cùng chí hướng thì đạt được kết quả như thế cũng đã tốt lành và tích cực lắm rồi đối với G20 cũng như vẫn đáng được coi là thành công của Nhật Bản trên cương vị là nước chủ nhà tổ chức hội nghị.

So với kết quả của hội nghị cấp cao năm ngoái của nhóm G20 ở Argentina thể hiện trong tuyên bố chung của hội nghị thì G20 ở Osaka không khác biệt gì nhiều. Nhưng nếu theo cách tiếp cận "thành công là không thất bại" thì G20 ở Osaka phải được coi là thành công khi không bị tụt lùi so với năm ngoái ở Argentina.

Bối cảnh không thuận lợi và tình hình giậm chân tại chỗ

Năm nay, hội nghị cấp cao của G20 bị phủ bóng gần như hoàn toàn bởi khúc mắc song phương giữa các đối tác về chính trị an ninh cũng như kinh tế và thương mại. Không phải thiên hạ chỉ quan tâm chính đến cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như giữa ông Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin đó hay sao?

Thành công là không thất bại - Ảnh 2.

Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp thượng đỉnh bên lề G20. Ảnh: Time

Điều này không có gì là khó hiểu bởi mọi thoả thuận trong G20 hay tuyên bố của G20 chỉ có tính chất và ý nghĩa chính trị mà không có giá trị ràng buộc đối với các thành viên. G20 chỉ là một khuôn khổ diễn đàn để tham vấn chứ không phải là một tổ chức hay liên minh được thể chế hoá.

Trong khi đấy, quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Nga hiện lại rất trắc trở và ảnh hưởng trực tiếp đến thế giới nói chung và đến các đồng minh cũng như đối tác của ba nước này nói riêng.

Trong khi đấy, Mỹ và Iran ở vùng Vịnh chẳng khác gì bên bờ vực của đụng độ quân sự, thậm chí cả chiến tranh với nhau mà Mỹ hay Iran hành động như thế nào cũng đều phải để ý đến quan điểm thái độ và phản ứng của Nga và Trung Quốc.

Hay như chuyện ở những điểm nóng khác về chính trị an ninh trên thế giới, dù là Syria hay Venezuela và thậm chí cả Triều Tiên nữa, cũng đều thấy rồi đây diễn biến như thế nào phụ thuộc ở mức độ không nhỏ vào việc Mỹ, Nga và Trung Quốc đồng thuận hay dị biệt quan điểm.

Bối cảnh tình hình không được thuận lợi như hội nghị năm ngoái mà kết quả đạt được không thua gì năm ngoái thì phải khách quan đủ mức và công bằng thực sự để xác nhận là hội nghị cấp cao của G20 ở Osaka đâu có đến nỗi nào.

Bản tuyên bố chung với 43 điểm nội dung đã được hội nghị thông qua. Đa phần trong đó được cả 20 thành viên nhất trí hoàn toàn và chỉ có một vài điểm được nhất trí theo công thức 19 (thành viên) + 1 (Mỹ) vốn đã được áp dụng trong G20 từ năm 2017.

Thành công là không thất bại - Ảnh 3.

Về chất thì 20 khác với 19+1 nhưng thôi thì về lượng có 19+1 vẫn đưa lại được tổng 20. Có được thêm kết quả cơ bản tích cực của các cuộc gặp song phương bên lề sự kiện này nữa, khuôn khổ diễn đàn G20 ở Osaka vẫn chứng tỏ và khẳng định được giá trị tồn tại của nó.

Nhưng trong khi cần phải tiến triển mạnh mẽ về phía trước mà lại cứ tiếp tục giậm chân tạo chỗ thì về thực chất đâu có khác gì bị tụt hậu.

Ở Osaka, G20 cho thấy hiện rất thiếu vắng một cú hích quyết định để thoát được ra khỏi tình trạng giậm chân tại chỗ này. Ở Osaka đã bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết hai mối nguy hiểm đối với tương lai của cả khuôn khổ diễn đàn.

Thứ nhất là G20 tiếp tục bị phía Mỹ bào mòn vai trò và ảnh hưởng. Mỹ không coi trọng mà chỉ lợi dụng G20. G20 chưa thấy có được đối sách thích hợp đối phó với thách thức ấy.

Thứ hai là các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị cấp cao ngày càng được quan tâm và coi trọng hơn, có được ý nghĩa và tác động ngày càng quan trọng hơn.

Nếu cứ tiếp tục như thế thì chẳng bao lâu nữa đâu sẽ có sự hoán đổi vị thế của chuyện chính và chuyện phụ ở những lần cấp cao thường niên của G20. Cả điều này cũng thấy bị chìm nghỉm ở Osaka.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại