Bà Elisabeth Borne được đánh giá là nhân vật theo đường lối kỹ trị.
Quyết định này được đánh giá là một bước đi chiến lược của Tổng thống Macron nhằm tạo tiền đề cho một cuộc cải tổ nội các toàn diện, thu hút sự ủng hộ của cử tri cánh tả cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng vào tháng 6 tới đây. Liệu những tính toán của nhà lãnh đạo Pháp có giúp chính quyền Tổng thống Macron ghi điểm?
Thông điệp của Tổng thống Macron
Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chọn bà Elisabeth Borne làm Thủ tướng mới của Pháp gửi đi rất nhiều thông điệp. Thông điệp đầu tiên, đó là sự tiếp nối. Trong diễn văn mừng chiến thắng sau khi tái cử Tổng thống Pháp tối ngày 24/04 dưới chân tháp Eiffel ông Macron nói rất nhiều đến sự đổi mới, hứa hẹn rằng 5 năm tiếp theo sẽ là một nhiệm kỳ hoàn toàn mới, với những ưu tiên mới, những cách thức quản trị mới chứ không phải là sự tiếp tục của nhiệm kỳ cũ nhưng việc ông Emmanuel Macron lựa chọn bà Elisabeth Borne làm Thủ tướng cho thấy, Tổng thống Pháp vẫn không dám mạo hiểm bắt đầu nhiệm kỳ mới với những nhân tố mới hoàn toàn.
Bà Elisabeth Borne là một nhân vật kỳ cựu trong chính quyền của ông Macron và từ năm 2017 đã lần lượt giữ các chức Bộ trưởng Giao thông, Bộ trưởng Sinh thái và Bộ trưởng Lao động. Là một nhân vật thuộc phái kỹ trị, bà Elisabeth Borne cũng được đánh giá là rất trung thành với ông Macron. Do đó, việc đưa bà Elisabeth Borne lên ghế Thủ tướng Pháp là một lựa chọn an toàn, là một sự tiếp nối của những dự án mà ông Macron chưa thể hoàn tất trong 5 năm nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong những ngày tới, bà Elisabeth Borne sẽ phải thành lập chính phủ, tìm kiếm các chức danh để bổ nhiệm vào các vị trí Bộ trưởng, Quốc vụ khanh và theo nhận định của giới quan sát và truyền thông Pháp, chính phủ mới của Pháp cũng sẽ khó có nhiều thay đổi lớn ở các vị trí quan trọng như Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Nội vụ hay Bộ trưởng Ngoại giao.
Thông điệp thứ hai, đó là ông Macron tiếp tục giữ các cam kết của mình đối với vấn đề bình đẳng giới. Việc bà Elisabeth Borne trở thành người phụ nữ thứ hai trong nền Cộng hoà thứ V nước Pháp trở thành Thủ tướng là một sự kiện rất đáng chú ý. Trong quá khứ, nữ Thủ tướng Pháp đầu tiên là bà Edith Cresson chỉ giữ cương vị này trong thời gian ngắn, từ tháng 5/1991 đến 4/1992, và cũng không để lại nhiều dấu ấn. Bà Elisabeth Borne được nhận định sẽ tại vị lâu hơn nhiều, qua đó cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn. Về phần Tổng thống Macron, có thể coi bà Elisabeth Borne là chính trị gia nữ lớn thứ hai mà ông Macron góp phần đưa lên một vị trí quyền lực. Người trước đó là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen.
Thông điệp tiếp theo, là những gì mà chính quyền của Tổng thống Macron coi là ưu tiên hành động trong 5 năm tới. Bà Elisabeth Borne xuất thân từ đảng “Xã hội” cánh tả và khi gia nhập đảng “Phục hưng” theo đường lối trung hữu (trước đó mang tên “Nền Cộng hoà tiến bước” – LREM) của ông Emmanuel Macron từ năm 2017 thì bà Elisabeth Borne cũng được xếp vào nhóm cánh tả của đảng này. Do đó, việc ông Macron chọn bà Elisabeth Borne làm Thủ tướng cho thấy ông muốn xoa dịu các bất đồng, muốn đối thoại với cánh tả và với các công đoàn để xử lý các vấn đề nóng về xã hội hiện nay như sức mua, cải cách hưu trí hay lương tối thiểu.
Thế mạnh của tân Thủ tướng
Trong số những ƯCV cho chức Thủ tướng mới của Pháp thay cho ông Jean Castex, bà Elisabeth Borne là người đáp ứng gần như tất cả các tiêu chí mà Tổng thổng Pháp Emmanuel Macron đã đề ra, đó là: là phụ nữ, gắn bó và có hiểu biết về các vấn đề xã hội, môi trường và sản xuất. Giới phân tích chính trị Pháp đánh giá bà Elisabeth Borne là “con dao Thuỵ Sỹ” của Tổng thống Emmanuel Macron , tức là một nhân vật đa năng, có thể đảm đương cùng lúc nhiều trọng trách.
Hồ sơ sự nghiệp của bà Elisabeth Borne cho thấy điều đó. Bà tốt nghiệp trường Bách khoa (Polytechnique) danh giá hàng đầu nước Pháp, nơi được coi là lò đào tạo tinh hoa nước Pháp, đã từng làm cố vấn trong các đời Bộ trưởng Pháp ngày trước nên hiểu rõ sự vận hành của bộ máy nhà nước, đã từng giữ chức Tỉnh trưởng tỉnh Poitou-Charente nên có các mối quan hệ và hiểu biết các địa phương và từ năm 2017 đã đứng đầu 3 Bộ quan trọng của chính phủ Pháp là Giao thông, Sinh thái và Lao động.
Về tổng thể, bà Elisabeth Borne được đánh giá là một công chức cấp cao, một nhân vật kỹ trị xuất sắc, siêng năng và cũng rất cứng rắn. Những người từng làm việc với bà Borne trên các cương vị khác nhau đều đánh giá rằng nữ Thủ tướng Pháp là một người có hiệu suất làm việc cực kỳ đáng nể, nắm rất chắc các hồ sơ và có phong cách quyết liệt. Đây chính là điều mà ông Macron tìm kiếm bởi trong bối cảnh chính trường và xã hội Pháp bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử Tổng thống, ông Macron cần có một Thủ tướng có thể nhanh chóng bắt tay vào xử lý các vấn đề khó khăn nhất, bao gồm việc cải thiện sức mua, thúc đẩy việc thực thi các chiến lược sinh thái, chuyển đổi năng lượng, cải cách hưu trí.
Về khía cạnh chính trị, do xuất thân từ đảng “Xã hội” (PS) cánh tả nhưng lại là một nhân vật thuộc dạng kỹ trị nên bà Elisabeth Borne được xem là người có thể giúp ông Macron vừa đối thoại được với cánh tả nhưng cũng không làm cánh hữu quá phật lòng.
Về sâu xa, bà Elisabeth Borne cũng có 3 đặc điểm khác mà đội ngũ của ông Emmanuel Macron hài lòng, đó là: sẵn sàng chấp nhận làm cái bóng cho Tổng thống, tuân thủ tuyệt đối đường lối do ông Macron đưa ra và không có tham vọng chính trị quá lớn. Đây cũng chính là những đặc điểm của ông Jean Castex. Những đặc điểm này phù hợp với phong cách lãnh đạo của ông Macron từ khi lên nắm quyền, đó là luôn muốn hạn chế vai trò và ảnh hưởng của nhân vật Thủ tướng, biến Thủ tướng thành một dạng mà giới phân tích chính trị Pháp gọi là “người cộng tác”. Điều này khác xa với trong quá khứ, khi các Thủ tướng Pháp tiền nhiệm như ông Lionel Jospin, Jean-Pierre Raffarin hay kể cả ông Édouard Philippe trong nhiệm kỳ đầu của ông Macron đều là các nhân vật có tiếng nói và tầm ảnh hưởng. Do đó, chọn bà Elisabeth Borne là Thủ tướng, ông Macron có một nhân vật với năng lực đã được kiểm nghiệm, trung thành mà lại không quá lo sợ bị mất quyền lực hay ảnh hưởng như thời ông Édouard Philippe.
Chương trình nghị sự và khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội
Về chương trình nghị sự, bà Elisabeth Borne sẽ phải nhanh chóng giải quyết rất nhiều thách thức lớn trước mắt. Đầu tiên, đó là phải sớm thành lập được chính phủ mới. Đây là điều không đơn giản bởi đảng cầm quyền của ông Macron là nơi tập hợp rất nhiều nhân vật đến từ các đảng phái chính trị khác nhau muốn liên minh với ông Macron để nắm quyền nên sau khi ông Macron tái cử, việc phân chia quyền lực giữa các lực lượng này không đơn giản. Ngoài ra, ông Macron và bà Elisabeth Borne cũng phải tính đến việc chia sẻ quyền lực để thu hút các đảng phái và nhóm cử tri khác trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra sau đây 1 tháng.
Về các biện pháp cụ thể, trước mắt bà Elisabeth Borne sẽ phải ngay lập tức xây dựng được một gói chính sách về sức mua, bao gồm việc duy trì giá trần nhiên liệu, tăng lương tối thiểu, tăng hỗ trợ tài chính cho người dân nhằm đối phó với việc lạm phát tăng cao khiến sức mua người dân suy giảm. Tiếp đến, bà Elisabeth Borne sẽ phải bắt tay triển khai chiến lược về sinh thái, chuyển đổi năng lượng, trong đó có việc xây dựng 6 nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới, hỗ trợ hàng chục triệu hộ gia đình tại Pháp chuyển đổi hệ thống sưởi, nghiên cứu khả năng áp thuế môi trường. Tiếp theo là một hồ sơ cải cách vô cùng phức tạp về hưu trí, với các tranh cãi về việc áp đặt độ tuổi về hưu của người lao động Pháp là 65 tuổi hay thấp hơn, xây dựng hệ thống hưu trí phổ quát cho toàn thể người dân thay cho hàng chục hệ thống hưu trí chuyên biệt đang tồn tại. Sau đó, bà Elisabeth Borne cũng phải xây dựng lộ trình cắt giảm 15 tỷ euro tiền thuế cho các doanh nghiệp và hộ gia đình từ nay đến 2027… Nhìn chung, đây đều là các vấn đề kinh tế-xã hội cực kỳ gai góc.
Đối với cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, việc ông Macron bổ nhiệm một nhân vật được xem là thuộc cánh tả như bà Elisabeth Borne làm Thủ tướng cũng là một động thái nhằm lôi kéo các cử tri cánh tả, đặc biệt là các cử tri của đảng Sinh thái. Tuy nhiên, điều này có lẽ chưa đủ để bảo đảm một chiến thắng lớn cho liên đảng “Phục hưng” của ông Macron do hai liên minh khác là “Liên minh nhân dân xã hội và sinh thái mới” (Nupes) của cánh tả và liên minh các đảng cực hữu cũng đang có được đà thăng tiến mạnh sau cuộc bầu cử Tổng thống.
Đối với cá nhân bà Elisabeth Borne, cuộc bầu cử Quốc hội tới cũng sẽ là một thử thách lớn khi bà Borne ra tranh cử nghị sĩ tại tỉnh Calvados bởi trong quá khứ, bà Elisabeth Borne chưa từng lần nào tranh cử và chưa từng được bầu vào các vị trí như nghị sĩ Quốc hội hay Uỷ viên các Hội đồng địa phương. Do đó, nếu thất bại, vị trí Thủ tướng của bà Elisabeth Borne chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn./.