Theo báo cáo, tầm bắn của tên lửa này có thể lên đến 1.000 km. Chỉ riêng yếu tố này đã hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của các tàu sân bay hiện đại.
Một lợi thế lớn khác đối với hải quân Nga là tốc độ bay cực cao của tên lửa Zircon, vượt quá Mach 8, cùng với tiết diện radar cực nhỏ của nó.
Hơn nữa, với tốc độ hành trình rất cao của loại tên lửa chống hạm tối tân này (từ Mach 8 trở lên), các hệ thống tên lửa đất đối không hoặc chống tên lửa của kẻ thù tiềm tàng sẽ bị vô hiệu do không phản ứng kịp về thời gian (khoảng cách giữa thời điểm phát hiện mối đe dọa và phóng tên lửa đánh chặn).
Trong các cuộc xung đột cục bộ trong nhiều thập kỷ qua, tàu sân bay đã chứng tỏ là một phương tiện chiến tranh rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng rất tốn kém trong sản xuất và bảo trì. Một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có giá lên đến 13-14 tỉ USD. Hiện tại, chỉ có 9 quốc gia có thể tự hào về những con tàu như thế này.
Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động thành từng nhóm tấn công (một tàu sân bay đi kèm với các tàu hộ tống thành một nhóm tác chiến). Các tàu sân bay là cốt lõi của các đội hình hoạt động này.
Cho đến nay, hải quân Trung Quốc có 2 tàu sân bay là Liêu Ninh (type 001) và Sơn Đông (type 001A). Năm 2018, Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay Type 003, với mục tiêu đầy tham vọng là có 6 tàu sân bay hoạt động vào năm 2035. Hiện đã có nhà máy đóng tàu thứ hai trong nước để đóng loại tàu này.
Hải quân Hoàng gia Anh tự hào chỉ có hai tàu sân bay, HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales, trong khi Pháp chỉ có một Charles de Gaulle (R91). Ấn Độ có một tàu sân bay lớp 1143, INS Vikramaditya (R33). Con tàu thứ hai, INS Vikrant (R44), đã được thả nổi ra khỏi ụ tàu và sắp hoàn thành.
Có một thực tế nổi tiếng là sau thế chiến thứ hai, hải quân Nga chủ yếu tập trung vào việc đối phó với các nhóm tấn công tàu sân bay (CSG) hoặc các nhóm tác chiến tàu sân bay đa năng của kẻ thù tiềm tàng, vì những nhóm tác chiến này là mối đe dọa đáng kể đối với cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng ở các vùng ven biển.
Kế hoạch trên của Nga dành cho các tàu ngầm thuộc đề án 949A, trang bị tên lửa chống hạm P-700 Granit và máy bay ném bom tầm xa, chẳng hạn như Tu-22M3 mang tên lửa chống hạm X-22 (hoặc Tu-22M3M với X-32 ), để tấn công tàu sân bay của kẻ thù tiềm năng trước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng phạm vi vũ khí mà quân đội Nga hiện có không thể đến đủ gần để phóng tên lửa chống hạm.
Sau khi tên lửa hành trình siêu thanh mới nhất đi vào hoạt động và bắt đầu sản xuất hàng loạt, các tàu và tàu ngầm của Nga sẽ có tên lửa Zircon và bài toán chống tàu sân bay sẽ được giải quyết phần lớn.
Nói chung, đối với hải quân Nga, việc trang bị tên lửa hành trình siêu thanh mới sẽ thay đổi hoàn toàn cán cân sức mạnh trên biển cả, vì loại tên lửa mới này về cơ bản tương đương với vũ khí hạt nhân chiến thuật khi nó xuất hiện.