Tên lửa Iskander có đối thủ từ Mỹ sau năm 2027

Tuấn Hưng |

Với mục đích tạo thế đối trọng với Iskander của Nga, chương trình Vũ khí Chính xác Tầm xa (LRPF) của Mỹ sẽ chính thức được trang bị vào năm 2027.

Cạnh tranh với Nga

Theo Scout Warrior, Mỹ đang phát triển loại tên lửa đất đối đất thế hệ mới với tầm bắn khoảng 500km dùng để tấn công những mục tiêu cố định. Loại tên lửa này được gọi là Vũ khí Chính xác Tầm xa (LRPF), và theo kế hoạch, tên lửa này sẽ chính thức hoạt động trong quân đội Mỹ vào khoảng năm 2027 trở đi.

Phát ngôn viên của Văn phòng Điều hành Các chương trình Tên lửa và Không gian Mỹ, Dan O’Boyle cho biết: "Tên lửa LRPF có nhiệm vụ tiêu diêt các mục tiêu cố định kiên cố của đối thủ. Ngoài ra, tên lửa mới này còn cho phép lực lượng sử dụng tấn công tầm xa và hỗ trợ các lực lượng bộ binh khác thực hiện các nhiệm trên chiến trường".

Sự ra đời của tên lửa LRPF để thay thế MGM-140 (được chế tạo từ những năm 1980) hiện đang phục vụ trong Lục quân Mỹ, đặc biệt LRPF sẽ là vũ khí đối trọng với Iskander của Nga. "LRPF sẽ thay thế các loại tên lửa hạng nặng đã có tuổi, đồng thời củng cố sức mạnh cho lực lượng này sau khi chính phủ ban hình chính sách loại bỏ các tên lửa thế hệ cũ", vị phát ngôn này cho biết.

Theo những thông tin ban đầu về chương trình LRPF, một trong những đặc điểm nổi trội của tên lửa mới là nó cho phép các đơn vị bộ binh có thể tấn công từ khoảng cách an toàn.

Nó sẽ mang một loại đầu đạn mới và được lắp đặt hệ thống định vị mục tiêu hiện đại hơn các tên lửa trước đây, cho phép hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Hiện Lầy Năm Góc đã giao dự án phát triển tên lửa LRPF nhà thầu quốc phòng Raytheon thực hiện.

Nói về việc phát triển tên lửa mới, đại diện của nhà thầu quốc phòng Raytheon, ông Greg Haynes cho biết: "Chúng tôi mong muốn thay thế các loại tên lửa được chế tạo từ những năm 1980. Ngày nay tên lửa cần phải được trang bị những công nghệ hiện đại hơn thế".

Giải pháp tình thế

Dù Mỹ đang sở hữu kho tên lửa đất đối không cực hiện đại, tuy nhiên ở phân khúc tên lửa đất đối đất, Mỹ lại đang khá lạc hậu so với Nga. Đây chính lý do khiến Mỹ phải nối lại sản xuất tên lửa ATACMS trong khi chờ đợi một loại tên lửa thế hệ mới ra đời.

Việc quyết định tái sản xuất với ATACMS được Lầu Năm Góc đưa ra hồi cuối năm 2016, chương trình này do Tập đoàn sản xuất quốc phòng Lockheed thực hiện.

Theo những thông tin được Mỹ tiết lộ, tên lửa ATACMS dài hơn 4 m và có đường kính gần 1 m, ATACMS được thiết kế để đánh các mục tiêu quan trọng nằm sâu bên trong lòng địch như sân bay và bãi bắn tên lửa.

Để làm được điều này, ATACMS được trang bị hệ thống xác định mục tiêu bằng định vị toàn cầu và công nghệ dẫn đường quán tính. Tên lửa chiến thuật ATACMS thông thường có tầm bắn 165 km tuy nhiên có nguồn tin cho rằng biến thể mới của ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km.

Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS của Lục quân Mỹ hiện có nhiều biến thể khác nhau và có tầm bắn lần lượt từ 165, 300, 140 và 270 km. Trừ MGM-140A dùng hệ dẫn quán tính, các biến thể sau đều trang bị hệ dẫn kết hợp quán tính + GPS. Đặc biệt MGM-164 có độ chính xác rất cao, sai số 10-20m.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại