Mỹ đã chi nhiều tỷ đô la để phát triển tàu sân bay CVN-78 (lớp Ford) nhằm thay thế những chiếc tàu sân bay lâu đời lớp Nimitz. Lớp tàu sân bay mới này được kỳ vọng sẽ phục vụ quân đội Mỹ đến hết thế kỷ 21.
Dù vậy, việc đầu tư cho lớp tàu sân bay mới của chính phủ Mỹ vấp phải nhiều phản đối. Các chuyên gia cho rằng những hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc, Nga và Iran đang làm cho tàu sân bay trở nên lỗi thời. Do đó, bỏ quá nhiều tiền vào tàu sân bay lớp Ford sẽ là một sự lãng phí khổng lồ.
Bài viết này là một góc nhìn đóng góp vào cuộc tranh luận: Liệu các tàu sân bay đã thực sự "lỗi thời" hay chưa?
Định nghĩa "sự lỗi thời"
Ta cần cẩn trọng khi nghĩ đến khái niệm này. Nhiều chuyên gia quân sự thường cho rằng vũ khí lỗi thời chính là vũ khí vô dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, những vũ khí lớn tuổi vẫn tỏ ra hữu dụng trong rất nhiều cuộc chiến.
Thiết giáp hạm USS New Jersey - được cho là lỗi thời từ cuối Thế chiến thứ hai - vẫn tham chiến ở Hàn Quốc và Lebanon. Cường kích bị cho là lỗi thời A-10 vẫn hoàn thành nhiệm vụ tại các cuộc chiến Mỹ tham gia. Binh lính chiến đấu ở Syria và Libya vẫn đang sử dụng các vũ khí mà Mỹ coi là lạc hậu từ vài thập kỷ trước.
Tóm lại, dù tàu sân bay CVN-78 không thể xuyên thủng A2/AD, nó vẫn có thể phục vụ nhiều mục đích khác. Các mục đích đó bao gồm: phô diễn sức mạnh quốc gia, chiến đấu trong môi trường cho phép, viện trợ … "Lỗi thời" cho một nhiệm vụ không có nghĩa tàu sân bay CVN-78 trở nên "vô dụng".
Tàu sân bay và hệ thống A2/AD
Dự báo về sự lỗi thời của các tàu sân bay xuất hiện kể từ sau Thế chiến thứ hai. Liên Xô đã phát triển một hệ thống các tàu ngầm, cảm biến, và máy bay chiến đấu để đối đầu tàu sân bay Mỹ. Để đáp trả, Mỹ dùng các biện pháp đánh lạc hướng hệ thống của Liên Xô. Cả hai cường quốc này luôn tìm ra các phương án công phu để chống lại những cải tiến quân sự của nhau.
Nói cách khác, mỗi khi một phương án đáp trả được triển khai, cán cân sức mạnh sẽ thay đổi. Tàu sân bay hay bất kể loại vũ khí nào đều sẽ có lúc mạnh, lúc yếu tùy vào sự đáp trả của các bên.
Thế hệ tiếp theo của A2/AD cũng không phải ngoại lệ. Tên lửa thuộc hệ thống A2/AD của Trung Quốc có lợi thế về sự cơ động và là mối đe dọa cho tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, thiết bị phòng thủ tên lửa và tác chiến điện tử của Mỹ vẫn có thể vô hiệu hóa các tên lửa này. Tương tự, những cải tiến trong công nghệ chống tàu ngầm sẽ giúp bảo vệ tàu sân bay Mỹ khỏi mối nguy từ A2/AD.
Tóm lại, nếu có phương án đối phó thích hợp, tàu sân bay chưa chắc đã "lỗi thời" khi đối đầu với A2/AD.
Tính linh hoạt của tàu sân bay
Kể từ Thế chiến thứ hai, không một tàu sân bay nào của Mỹ phải đối đầu trực tiếp với các vũ khí chống xâm nhập. Thay vào đó, chúng được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đã nêu phía trên.
Trên thực tế, tàu sân bay trở nên hữu dụng nhất khi được dùng để chở các loại máy bay. Đó là minh chứng cho việc loại tàu này có nhiều công dụng khác ngoài chiến đấu với các hệ thống A2/AD.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà tàu sân bay không thể cải thiện khả năng chiến đấu. Hiện tại, A2/AD đủ sức khiến các tàu sân bay Mỹ phải neo đậu cách rất xa mục tiêu. Song, việc phát triển máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 và 6, cùng các vũ khí tầm xa hứa hẹn sẽ làm tăng tính hữu dụng của tàu sân bay lớp Ford.
Kết luận
Trên thế giới, có rất nhiều loại vũ khí tối tân nhanh chóng chìm vào quên lãng. Những tàu chiến tốc độ cao của Thế chiến thứ hai chỉ được phục vụ trong chưa đầy 10 năm. Đời đầu của các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ thậm chí còn có tuổi thọ ngắn hơn nữa.
Ngược lại, tàu sân bay đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài với nhiều biến thể khác nhau. Đó là do loại tàu này vẫn có nhiều công dụng, đặc biệt là khả năng chuyên chở máy bay đi chặng đường dài.
Rất có khả năng tàu sân bay sẽ còn tồn tại thêm một thời gian dài nữa. Tuy nhiên, dù vẫn chưa "lỗi thời", tàu sân bay chưa chắc đã là một khoản đầu tư lý tưởng. Sự đồ sộ của loại tàu này chính là điểm yếu cố hữu. Quân đội Mỹ sẽ cần khắc phục vấn đề này hoặc tìm phương tiện thay thế để vận chuyển quân nhu.