Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi và các tướng lĩnh cấp cao của quân đội Nhật hôm nay đã lên thăm tàu, bước đi giữa hai hàng máy bay chiến đấu F-35B trong khi các sĩ quan hải quân Anh giải thích về cách những chiếc máy bay cất cánh.
“Một trong những mục đích của sứ mệnh lần này là gửi tín hiệu về sự khởi đầu của một cam kết. Vai trò của khu vực này đang gia tăng đáng kể”, Đại tá Steve Moorhouse nói trong cuộc họp báo trên boong con tàu trị giá 4,15 tỷ USD.
Nhật Bản đang nỗ lực mở rộng hợp tác an ninh ngoài Mỹ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc mà Tokyo cho rằng đang đe dọa khu vực.
Trong sách trắng quốc phòng công bố gần đây, Nhật Bản xác định Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia chủ yếu và nhận định khu vực đảo Đài Loan sẽ có nguy cơ khủng hoảng khi Bắc Kinh đang tăng cường hoạt động quân sự ở đây.
“Chuyến thăm của nhóm tàu sân bay Anh có ý nghĩa lớn để duy trì và củng cố một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, ông Kishi nói với báo giới sau chuyến thăm tàu Anh.
Là đồng minh thân thiết của Mỹ, Nhật là nơi Mỹ duy trì lực lượng quân đồn trú đông nhất thế giới, bao gồm Hạm đội 7, các máy bay và hàng ngàn lính thủy quân lục chiến.
Dẫn theo 2 tàu khu trục, 2 khinh hạm, một tàu ngầm và 2 tàu hỗ trợ, tàu Queen Elizabeth khởi hành từ Anh từ tháng 5 và đi qua nhiều vùng biển, trong đó có Biển Đông, trước khi đến Nhật Bản.
Cùng đi với nhóm tàu này có một tàu khu trục Mỹ và một khinh hạm của hải quân Hà Lan, cùng với một phi đội F-35B và các máy bay tàng hình của Anh.
Sau khi nhóm tàu này trở về nhà, 2 tàu chiến sẽ tiếp tục duy trì hiện diện của Anh ở khu vực, trong bối cảnh London đang tìm kiếm một sự hiện diện lớn hơn trên thế giới sau khi không còn là thành viên EU.
Trong thời gian đậu tại cảng Yokosuka, cảng nhà của tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, tàu Queen Elizabeth sẽ đón nhiều khách là lãnh đạo các công ty của Nhật Bản, khi Anh đang tìm kiếm các hợp đồng kinh tế hậu Brexit.