Tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm tàu tiếp vận
Theo tin của Bộ tư lênh hải quân Mỹ, một tàu ngầm hạt nhân của nước này vừa va chạm với một tàu nổi tiếp vận của Hải quân trong khi tiến hành các hoạt động huấn luyện thường xuyên, khiến cả 2 chiếc đều phải trở về cảng để sửa chữa.
Theo đó, chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio (mang tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ dưới nước - SLBM) mang số hiệu SSBN-743 USS Louisiana của hải quân Mỹ đã “cụng đầu” vào đáy một tàu tiếp tế cỡ nhỏ ngoài khơi bờ biển bang Washington.
Thông báo đăng trên trang web của Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Hoa Kỳ cho biết, vụ việc xảy ra vào tối thứ 18/8 khi tàu ngầm và các tàu hỗ trợ xa bờ đang tiến hành hoạt động huấn luyện thường xuyên tại khu vực eo biển Juan de Fuca, bang Washington.
Hải quân Mỹ cho biết, vụ va chạm này không có thương vong nhưng cũng đã gây ra một số hỏng hóc nhỏ. Hiện cả hai tàu quay trở lại cảng của mình: Tàu hỗ trợ về cảng Angeles, còn tàu ngầm về Căn cứ Hải quân Kitsap để đánh giá thiệt hại và sửa chữa.
Được biết, tàu ngầm hạt nhân SSBN-743 USS Louisiana được điều đến thường trực tại Căn cứ Hải quân Kitsap, Silverdale, Washington vào ngày 12 tháng 10 năm 2005. Trước đó, cảng mẹ của nó là ở căn cứ hải quân Kings Bay, bang Georgia.
Vụ va chạm giữa tàu ngầm và tàu nổi của hải quân Mỹ mặc dù không gây ra thiệt hại nặng nề nào nhưng nó đã chỉ ra một vấn nạn rất lớn của hải quân nước này là các tàu ngầm có khả năng quan sát rất kém.
Hiện lực lượng tàu ngầm của hải quân Mỹ được đánh giá là đứng hàng đầu thế giới về chất lượng cũng như uy lực răn đe nhưng cũng được xếp hạng nhất thế giới về các vụ va chạm giữa tàu ngầm với tàu nổi, khiến các chuyên gia nghi ngờ về sức mạnh thật sự của những “quái vật dưới đáy biển” này.
Đơn cử ví dụ như chỉ tính trong khoảng thời gian từ tháng 5/2012 đến tháng 1/2013, tàu ngầm Mỹ đã 6 lần va chạm với các tàu nổi khác, bình quân cứ hơn 1 tháng lại xảy ra một vụ, trong đó có cả vụ tàu ngầm va chạm với tàu khu trục khi 2 bên đang huấn luyện chung, nắm được khu vực hoạt động của nhau.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ bị cận thị?
Vào khoảng 5h sáng ngày 10/1/2013, tàu ngầm Jacksonville đang di chuyển ở tầng nước nông ở khu vực vịnh Ba Tư thì xảy ra va chạm với 1 tàu dân sự nhỏ khiến nó bị hư hỏng kính tiềm vọng, không có thiệt hại gì về con người và lò phản ứng hạt nhân.
Hải quân Mỹ chỉ xác định đó là một tàu dân sự, vì trong thời điểm đó không có tàu chiến nào hoạt động ở khu vực này. Rất may là tàu mặt nước đã va chạm với Jacksonville là một con tàu nhỏ, nếu không thiệt hại đã có thể lớn hơn.
Các hệ thống sonar hiện đại trên các tàu ngầm hạt nhân Mỹ thường được tuyên bố là có thể phát hiện được tất cả những dao động sóng âm do cả tàu nổi và tàu ngầm gây ra khi chúng rẽ nước di chuyển hoặc chân vịt chuyển động ở khoảng cách hàng trăm km.
Tuy chủ yếu sử dụng để theo dõi các tàu ngầm, nhưng khi các tàu ngầm nổi lên gần mặt nước, tiếng động cơ, sự cuộn xoáy của chân vịt, độ xé nước của con tàu dân sự không có các biện pháp giảm âm chắc chắn sẽ rất lớn so với tàu ngầm, thế mà với cả kính tiềm vọng hồng ngoại quan sát đêm, nó vẫn không hề phát hiện được con tàu dân sự, sau khi va chạm xong cũng không biết tàu này đi về hướng nào.
Những con số thống kê va chạm cao bất thường đối với những tàu ngầm được Lầu Năm Góc được coi là hiện đại nhất trên thế giới. Điều gì đang xảy ra với những “kình ngư dưới đáy biển” của Mỹ? Phải chăng chúng đã bị “mù”?
Qua những vụ việc này, người Mỹ có nhận ra là mình quá may mắn hay không? Họ mới chỉ va chạm với các tàu dân sự hoặc tàu của chính mình, chứ nếu đó là những tàu ngầm hoặc tàu săn ngầm mặt nước của đối phương thì chắc chắn tàu ngầm Mỹ không chỉ hỏng mỗi kính tiềm vọng.
Năm 2009 và 2012, không dưới 2 lần tàu ngầm hạt nhân lớp Akula của Nga đã áp sát bờ biển nước Mỹ mà các lực lượng trinh sát chống ngầm trên không, trên mặt biển và tàu ngầm nước này không hề phát hiện ra.
Lầu Năm Góc chỉ biết chúng hiện diện ở đó khi các tàu ngầm Nga nổi lên, quay đầu chào nước Mỹ. Đó là lời cảnh báo sắc lạnh nhất đối với lực lượng tàu ngầm thường được ca tụng là đứng đầu thế giới của nước này.