Tàu khu trục Mỹ tại Thái Bình Dương - Một mũi tên trúng nhiều đích

Hoàng Lê |

Tàu khu trục USS Dewey của Mỹ sắp tới sẽ tập trận chung với Hàn Quốc, bên cạnh đó, USS Dewey cũng tham gia sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông.

Những ngày tháng 4 này của 120 năm trước, chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ George Dewey đã chỉ huy đội tàu chiến Mỹ từ Hong Kong (Trung Quốc) hướng tới Philippines-lúc này là thuộc địa của Tây Ban Nha, bắt đầu cuộc chiến Mỹ-Tây Ban Nha.

Đến ngày 1/5/1989, đội tàu Mỹ đã đánh bại hạm đội Thái Bình Dương của Tây Ban Nha tại Vịnh Manila. Với chiến thắng này, George Dewey trở thành người hùng tại Mỹ.

Chiến thắng này mở đường cho cuộc chuyển nhượng quyền kiểm soát Philippines từ tay người Tây Ban Nha sang tay người Mỹ, cũng như đánh dấu mốc về sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Hơn một thế kỷ sau, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ được đặt tên theo chuẩn Đô đốc George Dewey tiếp tục các hành trình tuần tra tại Thái Bình Dương.

Tàu khu trục USS Dewey hiện tham gia nhóm tàu tấn công do tàu USS Wasp dẫn đầu và đang hoạt động ngoài khơi vùng biển Nhật Bản.

Nhóm tàu tấn công này gồm 4 tàu chiến, với 4.000 thủy thủ và lính thủy Mỹ, cùng với đó là các trực thăng Osprey, các máy bay chiến đấu F-35... Nhóm tàu dự kiến tham gia cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Hàn Quốc trong những tuần tới.

Cảnh giác trước Triều Tiên

Giới chức hải quân Mỹ đang phải bàn thảo việc triển khai lực lượng tại khu vực này vì chính sách thay đổi nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước, Tổng thống Trump viết trên trang Twitter cá nhân: “Hiện là cơ hội tốt để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un làm những điều đúng đắn cho người dân Triều Tiên. Hãy chờ đợi cuộc gặp của chúng tôi”.

Những căng thẳng đỉnh điểm Mỹ-Triều trong năm qua đã bất ngờ đổi chiều tích cực và giờ đây 2 bên đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông Trump và ông Kim.

Tuy nhiên, chỉ cách đây vài tháng, Washington tháng 11/2017 đã lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua triển khai cùng lúc 3 tàu sân bay tới vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên. Đây được coi là một sức ép quân sự rõ ràng từ Mỹ nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình.

Năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành thử 23 tên lửa, trong đó, 2 quả đã bay qua Nhật Bản. Bình Nhưỡng cũng đe dọa tấn công đảo Guam của Mỹ.

Mỹ triển khai tàu Dewey ở tuyến đầu phòng vệ là nhằm đối phó với những mối đe dọa này từ Triều Tiên. USS Dewey là tàu khu trục với hệ thống vũ khí lớp Aegis, có khả năng phát hiện sớm các mối đe dọa, như tấn công tên lửa và nhanh chóng chia sẻ thông tin với các tàu chiến khác.

Theo đó, những tàu khu trục khác có trang bị tên lửa đạn đạo trong đội tàu chiến đấu về lý thuyết có thể bắn hạ tên lửa của Triều Tiên. Song, trong những vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong năm 2017, các tàu chiến Mỹ chưa lần nào sử dụng tên lửa đánh chặn của mình để đối phó.

“Trong các trường hợp cụ thể, chúng tôi sẽ quyết định liệu đó có phải mối đe dọa thực sự hay không. Quan trọng hơn, là khả năng phòng vệ của chúng tôi trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo”, Đô đốc Brad Cooper, chỉ huy lực lượng đổ bộ của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ cho biết.

Tàu Mỹ Carl Vinson tới Đà Nẵng-Chính sách cân bằng của Việt Nam VOV.VN - Ngày 5/3, USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng trở thành tàu sân bay Mỹ đầu tiên tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc.

Tự do hàng hải tại Biển Đông

Tranh cãi đã nổi lên khi Mỹ công bố “Chiến dịch Tự do hàng hải” trên Biển Đông. Nếu chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp với Mỹ, thì những căng thẳng và tranh cãi chủ quyền tại Biển Đông lại là vấn đề lâu dài với Mỹ.

Chỉ huy Anthony Webber của USS Dewey cho biết, tự do hàng hải luôn bị đe dọa, do đó đây là một trong những sứ mệnh của chúng tôi tại khu vực này.

Theo ông Anthony Webber, những cuộc diễn tập bắn đạn thật của USS Dewey thật sự rất quan trọng để cải thiện các kỹ năng chiến đấu và sự phối hợp của 325 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu.

“Điều này thể hiện rằng chúng tôi đã hoạt động tại vùng biển này trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời cho thấy Mỹ có quyền lợi và mối quan tâm đặc biệt tại khu vực này. Do đó, chúng tôi có mặt tại đây để đảm bảo tự do hàng hải”, Chỉ huy Anthony Webber nói.

Chỉ huy Webber tiết lộ, USS Dewey được trang bị một hệ thống tên lửa trên boong phía trước, gồm các loại tên lửa Tomahawk, Standard và các rocket chống ngầm.

Những vũ khí này mang thông điệp rằng, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh trong khu vực, đồng thời là cảnh báo với những mối đe dọa tiềm tàng.

“Chúng tôi khẳng định sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này. Với các đồng minh và các đối tác trong khu vực, chúng tôi giữ nguyên cam kết của mình và không lời nói nào có ý nghĩa bằng hành động”, Chỉ huy Webber khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại