Dấu hiệu từ vệ tinh
Cụ thể, các hình ảnh vệ tinh cho thấy có sự gia tăng đáng kể các hoạt động tại căn cứ không quân Engels-2 của Nga, với sự xuất hiện của các oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 và Tu-95 có năng lực ném bom hạt nhân. Các chuyên gia độc lập và Ukraine đánh giá, có khả năng Nga sẽ mở một cuộc không kích quy mô lớn vào lãnh thổ Ukraine.
Hình ảnh vệ tinh về máy bay quân sự Nga trên sân bay Engels-2. Nguồn: Maxar, Twitter.
Tờ báo Der Spiegel của Đức là cơ quan truyền thông đầu tiên phản ánh về hoạt động gia tăng tại căn cứ Engels-2 dựa trên hình ảnh vệ tinh do các hãng Maxar Technologies và Planet Labs cung cấp.
Hình ảnh chụp ngày 28/11 cho thấy khoảng 20 máy bay mang tên lửa trên đường băng, bao gồm cả phi cơ ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95.
Xem các hình ảnh vệ tinh này, các chuyên gia chỉ ra hoạt động đặc biệt cao tại sân bay Engels-2.
Nhà phân tích quân sự độc lập Arda Mevlutoglu nói với tờ Der Spiegel: "Nhân sự trên sân hoạt động nhộn nhịp, các xe chở nhiên liệu đỗ cạnh các máy bay ném bom tầm xa. Có thể nhìn thấy vô số các hộp lớn chứa đạn dược và thiết bị sửa chữa".
Ông Mevlutoglu cũng lưu ý sự hiện diện của nhiều máy bay vận tải đỗ trên sân bay. Theo ông, các vận tải cơ này có lẽ đã cung cấp tên lửa cho các máy bay ném bom. Cũng xuất hiện trong hình ảnh vệ tinh là các xe chở tên lửa.
Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160 có khả năng mang 6 tên lửa Kh-55 trong mỗi khoang chứa bom. Khoang vũ khí của máy bay cũng được gắn các thiết bị phóng biến thể chống bức xạ Kh-15P của tên lửa Kh-15 được cho là có tầm bay từ 200-280km.
Máy bay Tu-95 có 2 biến thể, đó là MS-6 và MS-16. Máy bay Tu-95MS-6 được trang bị 6 tên lửa Kh-55 trong hệ thống phóng xoay vòng, còn Tu-95MS-16 có khả năng mang được 16 tên lửa Kh-55 gắn bên ngoài.
Kh-55 là tên lửa hành trình cận âm phóng từ máy bay với tầm bắn lên tới 2.500km.
Máy bay Tu-95 cũng có thể được chỉnh sửa để mang được 8 tên lửa hành trình Kh-101 với tầm bắn khoảng 2.500-2.800km.
Oanh tạc cơ chiến lược Tu-160M của Nga. Ảnh: Wikipedia Commons.
Ukraine cảnh giác cao độ
Căn cứ Engels-2 là căn cứ máy bay ném bom chiến lược của Nga, nằm cách biên giới với Ukraine khoảng 700km. Đây là đại bản doanh của Trung đoàn oanh tạc cơ hạng nặng Cận vệ 121 (sử dụng máy bay Tu-160M) và Trung đoàn oanh tạc cơ hạng nặng 184 (sử dụng máy bay Tu-95).
Engels-2 là căn cứ tác chiến duy nhất của Nga dành cho máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Nga đã và đang sử dụng các oanh tạc cơ trang bị tên lửa hành trình tầm xa để tấn công các vị trí của Ukraine từ bên ngoài không phận Ukraine nhằm tránh xa tầm với của các hệ thống phòng không Ukraine.
Chẳng hạn, hồi tháng 6, Nga đã sử dụng 6 chiếc Tu-22M3 để phóng khoảng 60 tên lửa hành trình chính xác từ Belarus vào lãnh thổ Ukraine, chủ yếu nhắm vào Kiev và các vùng Chernihiv và Sumy.
Giới chức Ukraine ngày 1/12 đã phát cảnh báo về các đợt không kích trên lãnh thổ nước này. Người ta lo ngại kịch bản Nga sẽ oanh tạc Ukraine trên quy mô lớn, sử dụng liên tiếp các đợt tên lửa và UAV.
Cơ quan biên phòng Ukraine viết trên ứng dụng gửi tin nhắn Telegram: "Một lệnh báo động phòng không đang được thực thi ở Ukraine. Hãy chui xuống hầm trú ẩn".
Phát ngôn viên không quân Ukraine, Yuriy Ihnat, ngày 30/11 cũng thông báo cho nước này về sự gia tăng hoạt động của Nga tại căn cứ Engels-2 và khả năng Nga tăng cường không kích Ukraine.
Ông Ihnat cho biết, mục đích của Nga vẫn không thay đổi, đó là tiến hành không kích cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine, đặc biệt là hệ thống năng lượng.
Kể từ tháng 10, Nga đã đều đặn tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và UAV nhằm phá hủy mạng lưới điện của Ukraine trong bối cảnh mùa đông tới gần.
Đợt không kích tương tự gần nhất là vào ngày 23/11. Khi đó, Nga phóng vào Ukraine 67 tên lửa hành trình, bao gồm 30 tên lửa phóng vào riêng thủ đô Kiev, theo Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, Valeriy Zaluzhniy.
Ukraine trông cậy vào tên lửa Patriot
Trước tình hình trên, Kiev đang hối thúc NATO đẩy mạnh việc chuyển giao cho họ vũ khí và giúp họ khôi phục mạng lưới điện.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các quan chức Mỹ đã gợi ý rằng đang diễn ra các cuộc thảo luận nhằm cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không Patriot.
Phản ứng lại tuyên bố của ông Stoltenberg, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng NATO sẽ trở thành "mục tiêu hợp pháp" của Nga nếu khối này cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine.
M-104 Patriot là một hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung có khả năng đánh chặn máy bay, tên lửa đạn đạo và UAV. Hệ thống rất phức tạp và khó vận hành, và do đó sẽ cần có nhân lực của NATO đi kèm.
Mỹ và NATO đang ngần ngại cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Họ e sợ Nga khi ấy sẽ tấn công vào các vũ khí đó và rốt cuộc có thể gây thương vong cho các quân nhân NATO vận hành các tổ hợp Patriot đó.
Ngoài ra, theo chuyên gia quân sự Ấn Độ Vijainder Thakur, thẩm quyền cuối cùng chỉ huy các tổ hợp Patriot nằm ở các sĩ quan trên một máy bay chỉ huy của không quân Mỹ. Không loại trừ Nga sẽ coi chiếc máy bay này là mục tiêu quân sự hợp pháp của họ và tiến hành bắn hạ nó bằng tên lửa không đối không RVV-BD hoặc tên lửa 40N6E phóng từ hệ thống phòng không S-400. Khi ấy, Thế chiến III có thể bùng nổ./.