Theo AMN, tối hôm 17/12, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các tuyến phòng thủ của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) gần thị trấn then chốt Ain Issa ở phía bắc Al-Raqqa.
Ban đầu, báo cáo cho thấy, cuộc tấn công lớn xung quanh Ain Issa và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng quân đồng minh đã chiếm được các làng Al-Rahbah và Al-Musharifah sau trận huyết chiến với Lực lượng Dân chủ Syria.
Tuy nhiên, sau đó, có báo cáo cho rằng Lực lượng Dân chủ Syria vẫn đang nắm quyền kiểm soát hai ngôi làng sau một trận chiến dữ dội với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đồng minh của họ trong 12 giờ.
Theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), con số thiệt hại ước tính cho các chiến binh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn lên tới cả chục người.
Cùng với những thiệt hại nặng nề về người, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh đồng minh của họ đã buộc phải rút về tuyến liên lạc, sử dụng các cuộc tấn công bằng pháo hạng nặng vào các vị trí của Lực lượng Dân chủ Syria.
Cả Lực lượng Dân chủ Syria và phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đều đã tăng viện đến tuyến liên lạc ở vùng nông thôn Ain Issa, vì một trận chiến lớn khác dự kiến sẽ diễn ra trong những ngày tới.
Một nguồn tin từ Quân đội Ả Rập Syria nói với Al-Masdar News hôm thứ Sáu rằng quân đội không tham gia vào các cuộc đụng độ này, nhưng họ biết về các chuyển động gần đây của Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và các phiến quân đồng minh của họ.
Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi 7 trạm quan sát
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã rút khỏi 7 trạm quan sát ở khu vực lực lượng chính phủ kiếm soát tới nơi phiến quân chiếm giữ ở tây bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập hàng chục tiền đồn quân sự ở tây bắc Syria vào năm 2018 theo thỏa thuận đạt được với Nga và Iran nhằm hạ nhiệt giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phiến quân. Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhiều nhóm phiến quân tại tây bắc Syria, trong khi Nga và Iran ủng hộ lực lượng chính phủ nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi nhiều trạm quan sát ở Syria.
Một số tiền đồn của quân Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng chính phủ Syria bao vây hồi năm 2019. Thổ Nhĩ Kỳ khi đó tuyên bố sẽ duy trì hiện diện quân sự tại đây, song các đợt rút quân bắt đầu từ hồi tháng 10.
Một nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/12 cho biết, các đợt rút quân cuối cùng hoàn thành tối hôm trước, các binh sĩ tái triển khai ở khu vực do các nhóm phiến quân kiểm soát theo thỏa thuận với Nga. "Đó không phải là rút hoặc giảm quân số mà chỉ là thay đổi địa điểm", nguồn tin cho biết.
Phiến quân Syria cho biết, khoảng 10.000-15.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đóng quân tại tây bắc Syria, ở địa bàn của các nhóm nổi dậy được Ankara hậu thuẫn và các nhóm phiến quân họ cam kết giải giáp hoặc kiềm chế.
Tuy nhiên, trong vài tuần vừa qua, quân đội Nga đã hoạt động rất tích cực ở Syria. Không quân nước này đã và đang tiến hành nhiều cuộc không kích ác liệt tấn công các nhóm chiến binh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn xung quanh khu vực Idlib mở rộng ở phía Tây Bắc Syria.
Động thái này được giới quan sát xem là “giọt nước tràn ly”, có một phần lớn nguyên nhân từ cuộc xung đột gần đây giữa Azerbaijan và Armenia ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh, một khu vực mà Armenia tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng từ năm 1994 nhưng theo luật pháp quốc tế lại thuộc về lãnh thổ Azerbaijan.
Cuộc xung đột bắt đầu bùng phát vào ngày 27/9 và kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian vào ngày 10/11, sau khi Azerbaijan đã giành được những thắng lợi mang tính quyết định tại đây.
Nga có thể cũng đã thu nhận được những lợi ích rõ ràng từ cuộc xung đột này nhưng cốt lõi của vấn đề là sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nagorno-Karabakh đã khiến Moscow lo ngại sâu sắc.
Do đó, sự can dự của Ankara buộc Nga phải thực hiện một số hành động trả đũa để cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy rằng ai mới thực sự là “ông chủ” tại Nam Caucasus.
Hành động giáng trả này thể hiện rõ nét nhất ở Syria và có thể còn xảy ra ở Libya, nơi cả Moscow và Ankara đều có các lợi ích cạnh tranh mặc dù điều này không phải là tín hiệu tốt cho sự ổn định địa chính trị ở Caucasus, khu vực Biển Đen và cả phía đông Địa Trung Hải.