“Chúng tôi không cần anh nữa”
Tổng thống Joe Biden, khi đó còn là Thượng nghị sỹ, viết ra đạo luật cấp visa cho nội gián và những đối tượng tương tự vào năm 1994. Mục đích của đạo luật này là thu hút những người không phải công dân Mỹ cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm và khủng bố. Mỗi năm chính quyền Mỹ sẽ cấp một số lượng giới hạn một loại Visa đặc biệt gọi là Visa hạng S cho nhóm đối tượng trên.
Sau khi vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 xảy ra, FBI sử dụng Visa hạng S như một công cụ tuyển nội gián hữu hiệu. 15.000 người bí mật làm nội gián cho FBI với hy vọng mình sẽ nhận được một trong 250 quyển Visa hạng S được cấp hàng năm - 200 quyển dành cho người cung cấp thông tin về tội phạm, và 50 quyển cho người cấp tin về khủng bố.
Tổng thống George W. Bush sau khi điều quân đến Afghanistan và Iraq đã mở rộng quy mô chương trình ra những đối tượng có hỗ trợ quân đội Mỹ. Ông ca ngợi hành động của mình trước công chúng thế này: “Tôi muốn nói với những người muốn trở thành công dân Mỹ một câu thôi: Nếu bạn thèm khát tự do đến như vậy, tại sao bạn lại không muốn bảo vệ tự do?”.
Sự thật không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Ngay cả với những người đang sống ở Mỹ, nhận được Visa hạng S theo như thoả thuận cũng rất khó. Đơn xin của họ sẽ phải chuyển lên Bộ Tư pháp Mỹ.
Tiếp đến, Bộ Tư pháp sẽ chuyển sang Bộ An ninh nội địa để xét xem có cấp thị thực không. Quá trình này có thể phải mất đến… 10 năm, và trong cả quá trình đó, cơ quan hành pháp bảo trợ đơn xin phải tốn tiền, tốn người để liên tục giám sát người viết đơn.
Khuôn mặt bơ phờ của một người từng làm nội gián cho DEA nay lại bị trục xuất về Guatemala.
Theo luật sư Brad Nershey, thời gian chờ đợi lâu là lý do khiến nhiều cơ quan hành pháp sẵn sàng phá bỏ thoả thuận với nội gián. “Tôi từng gặp những điệp viên FBI nói rằng đơn xin thị thực cho nội gián của họ đã mắc kẹt năm, bảy năm liền…
Chẳng có lãnh đạo sở cảnh sát hay cơ quan điều tra nào dám dành đến năm, bảy năm chỉ để theo đuổi việc xin cấp Visa cả. Họ hứa sẽ giúp nội gián nhanh chóng nhận được Visa, nhưng sau khi nội gián cung cấp thông tin xong thì họ lại im bặt, làm ngơ như chưa từng hứa điều gì cả”.
Số lượng Visa hạng S được cấp đang giảm dần theo từng năm. Vào năm 2001, con số này là 105. 17 năm sau nó tụt xuống còn 16 Visa hạng S cho nội gián “nằm vùng” trong các tổ chức tội phạm và 1 Visa cho người đã cung cấp thông tin về khủng bố.
Mạng sống cận kề hiểm nguy
Một trong những yếu tố quan trọng trong lá đơn xin cấp Visa hạng S là sự an toàn của người viết đơn. Nếu người viết đơn chứng minh được rằng, mạng sống của họ và gia đình đang bị đặt vào vòng nguy hiểm, lá đơn của họ sẽ được ưu tiên xét trước. Chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng các cá nhân từng giúp đỡ quân đội Mỹ ở các vùng chiến sự là nhóm đối tượng dễ nhận thị thực nhất. Sự thật không hẳn vậy.
Theo báo cáo của Cục Công dân & nhập cư Mỹ, chỉ có hai người từng là phiên dịch viên cho quân đội Mỹ ở Iraq nhận được Visa hạng S trong năm 2018. Con số này giảm mạnh so với mức 196 người năm 2017.
Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đó thắt chặt hoạt động nhập cư vào Mỹ đã khiến quá trình xét Visa hạng S bị kéo dài quá mức. Số lượng các vòng kiểm tra giấy tờ và phỏng vấn mà người xin thị thực phải thực hiện tăng gấp rưỡi, gấp hai mà chưa chắc họ đã nhận được điều mình muốn.
Đối với Shaker Jeffrey, đây là một tin rất xấu. Anh là một trong số hơn 10.000 nội gián và phiên dịch viên cho quân đội Mỹ ở Iraq đang chờ xét thị thực. Anh là người đã có công lớn giúp quân đội Mỹ tiếp cận được với cộng đồng người Yazidi, một dân tộc thiểu số quan trọng ở Iraq.
Shaker không chỉ làm công việc phiên dịch mà còn hướng dẫn cho sỹ quan Mỹ cách giao tiếp, tiếp xúc với văn hoá Yazidi, đồng thời chuyển cho họ thông tin nội bộ của người dân Yazidi. Vai trò của những phiên dịch viên như Shaker Jeffrey trong việc tạo thêm đồng minh cho người Mỹ khó có thể kể hết được.
Shoaib Walizada sống hằng ngày trong sợ hãi sau khi đơn xin thị thực vào Mỹ bị khước từ.
Người Yazidi từ lâu đã phải chịu sự phân biệt đối xử và khủng bố ở Iraq. Shaker làm việc cho người Mỹ còn khiến anh chịu nhiều nguy hiểm hơn. Vào năm 2015, khi phiến quân IS tấn công ngôi làng quê hương Jeffrey, chúng lùng sục khắp làng tìm họ hàng của anh để giết. Jeffrey chỉ kịp đưa được một số người thân chạy khỏi làng.
Qua gợi ý của một người quen là sỹ quan quân đội Mỹ, Jeffrey xin tị nạn tại Đức rồi gửi đơn xin Visa hạng S sang Mỹ. Kể từ ngày gửi đơn đến nay đã 6 năm. Cuộc sống hằng ngày ở Đức của anh hiện đầy rẫy nguy hiểm.
Jeffrey trả lời phỏng vấn Đài truyền hình CNBC: “Tôi sợ đến mức không muốn ra khỏi nhà. Ở Đức có nhiều kẻ bị tư tưởng cực đoan của IS quyến rũ. Đầu tiên chúng gửi email đe dọa vào hòm thư của tôi. Sau đó chúng vẽ bậy lên cửa nhà tôi. Cách đây ba tháng tôi bị chúng đánh chảy máu đầu khi đang đi ngoài đường vào buổi tối”.
Lý do mà lá đơn của Jeffrey đến bây giờ vẫn chưa được chấp nhận là vì anh có số điện thoại của nhiều đối tượng cực đoan ở Iraq. Khi được phóng viên hỏi về điều này, anh trả lời: “Chính các sỹ quan Mỹ bảo tôi gọi điện cho những người này rồi phiên dịch cho họ. Tôi đã giải thích điều này nhiều lần cho phía Mỹ nhưng vẫn chưa giải quyết được việc gì”.
Jeffrey tuy vậy vẫn cho mình là người may mắn do đã đến được Đức nhờ sự bảo hộ của những sỹ quan Mỹ mình từng cộng tác. Bộ phim tài liệu “The Interpreters” ra mắt năm 2019 kể về một nội gián mang bí danh “Philip Morris” vì thói quen hút thuốc của mình.
Philip phải trả hàng chục nghìn USD cho một băng nhóm buôn người để chúng đưa gia đình anh sang châu Âu trước khi phiến quân IS chiếm được Mosul.
Chiếc phà chở Philip và người thân xuất phát trong đêm từ Thổ Nhĩ Kỳ đang đi được nửa đường thì bị lật. Chỉ có một mình Philip may mắn sống sót nhờ sự cứu giúp của hải quân Hy Lạp. Hiện người cựu nội gián đang ở Ý chờ hoàn thành những thủ tục xin cấp thị thực vào Mỹ.
Một người đàn ông làm phiên dịch cho quân Mỹ ở Iraq.
Câu trả lời còn ở rất xa
Nhiều chính trị gia đảng Dân chủ từng đứng lên chỉ trích các vấn đề liên quan đến quy trình cấp Visa hạng S. Hạ nghị sỹ Jamie Raskin phát biểu: “Chúng ta đang tự làm khó mình. Sẽ chẳng có ai muốn cộng tác với Mỹ nếu chúng ta không giữ được lời hứa của mình”.
Còn Hạ nghị sỹ Jason Crow vốn là cựu binh từng tham chiến tại Afghanistan và Iraq nói thêm: “Những người làm nội gián hay biên dịch cho quân đội Mỹ đã và đang đặt mạng sống của họ vào vòng nguy hiểm. Nước Mỹ có bổn phận bảo vệ an toàn cho họ”.
Ở phía bên kia, đảng Cộng hoà vẫn chưa nói ra bất kỳ lời nào liên quan đến vấn đề này. Theo nhiều nhà quan sát, đảng Cộng hoà từ lâu nay theo đuổi chính sách hạn chế người nhập cư và giảm khoan hồng đối với các đối tượng phạm tội.
Nhiều khả năng họ không muốn nhiều người nhận được Visa hạng S, nhưng nếu họ nói ra như vậy thì sẽ nhận lại sự phản đối kịch liệt từ đối tượng cử tri là binh lính. Đây có thể là lý do họ vẫn đang giữ im lặng về vấn đề cấp thị thực cho nội gián.
Nhiều người Mỹ phục vụ trong các cơ quan hành pháp và quân đội hiểu rằng, Washington khó đi đến một phương án giải quyết vấn đề trong tương lai gần. Thay vì tiếp tục chờ, họ đang tự mình tìm cách giúp những người từng cộng tác với mình.
“No One Left Behind” là một tổ chức từ thiện do các cựu binh Iraq và Afghanistan lập ra với mục đích giúp đỡ những người từng cộng tác với quân đội Mỹ xin được Visa hạng S. No One Left Behind sẽ giúp đỡ các nội gián, phiên dịch viên về mặt pháp lý, chăm sóc sức khoẻ, chỗ ăn chỗ ở tạm thời trong khi họ và gia đình chờ được cấp thị thực.
Lầu Năm Góc không muốn tốn công sức để giúp nội gián và người phiên dịch xin được visa Mỹ.
Chủ tịch “No One Left Behind”, cựu Thống đốc bang New Jersey Thomas Kean, nói về hoạt động của tổ chức như sau: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để đưa được càng nhiều người bạn của Mỹ rời khỏi Afghanistan càng tốt.
Ngay trong thời điểm quân Taliban tháo chạy, chúng cũng tra tấn và ám sát bất kỳ người nào làm nội gián hay phiên dịch cho Mỹ. Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau khi Taliban chiếm lại được Afghanistan”.
Ông Thomas Kean gần đây đã làm “dậy sóng” công luận khi chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan trước khi đi đến bất kỳ thoả thuận nào với Taliban về việc bảo đảm an toàn cho các nội gián và phiên dịch viên.
Nhờ “No One Left Behind” làm tốt công tác tuyên truyền mà công chúng Mỹ càng ngày biết nhiều thêm về vấn đề Visa hạng S. Nhiều người không có liên quan cũng đã đứng lên để ủng hộ việc cấp thị thực cho nội gián, ví dụ như nhà biên kịch Chuck Lorre.
Series phim truyền hình “United Statesof Al” của Chuck Lorre vừa mới ra mắt với nội dung về cuộc sống của một người Afghanistan chuyển đến sống cùng với gia đình của người lính Mỹ mà anh đã giúp đỡ.
Thông điệp của bộ phim khá là rõ ràng đối với người xem. Điều mọi người đang chờ là liệu những thông điệp như thế có gây áp lực đủ mạnh lên các chính trị gia để họ sớm đưa ra phương án giải quyết vấn đề.