Tiền đạo Huỳnh Như
Sự hiện diện thường xuyên của Huỳnh Như trong tốp 3, một mặt cho thấy sự xuất sắc vượt trội của tiền đạo 31 tuổi này, nhất là khi cô đang tỏa sáng tại châu Âu; một mặt lại là trăn trở của bóng đá nữ Việt Nam khi chúng ta chỉ có một Huỳnh Như.
Thật vậy, trong 20 danh hiệu Quả bóng vàng nữ được trao, có đến 14 lần thuộc về thành viên của CLB bóng đá nữ TPHCM. Giải vô địch quốc gia nữ, được tổ chức từ năm 1998 đến nay, chứng kiến 11 lần CLB TPHCM đăng quang, 9 lần khác thuộc về Hà Nội. Khi mà nòng cốt của đội tuyển nữ quốc gia chỉ đến từ 2 CLB, các ngôi sao sáng nhất cũng xuất phát từ đây, bài toán đặt ra cho các nhà quản lý là làm sao phát triển được bề rộng phong trào.
Dù đi sau bóng đá nam, nhưng sự phát triển của bóng đá nữ lại nhanh hơn, chất lượng hơn và có lộ trình rộng mở hơn. Tấm vé dự World Cup 2023 cho thấy việc đều đặn tham gia ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh nằm trong tầm tay, thành công của Huỳnh Như tại Bồ Đào Nha vẽ ra triển vọng "xuất khẩu cầu thủ" cho bóng đá nữ. Nói đơn giản, cầu thủ nữ đang sở hữu những tấm "visa" chất lượng cao, cơ hội cải thiện thu nhập hoặc thậm chí là "đổi đời". Đấy là chưa kể, các tổ chức quản lý bóng đá thế giới đang phân bổ lại nguồn tài chính ở mức cao hơn cho những nơi có nền bóng đá nữ phát triển như Việt Nam.
Trước đây, bóng đá nữ bị "ghẻ lạnh" vì thu nhập thấp, phải hy sinh tuổi thanh xuân và cơ hội nghề nghiệp không rõ ràng, lâu dài. Đấy là nguyên nhân mà số CLB ở giải bóng đá nữ vô địch quốc gia không nhiều, cầu thủ giỏi chỉ tập trung ở Hà Nội và TPHCM, thậm chí chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải tự mở khóa tuyển sinh đào tạo trẻ để xây dựng tuyến kế thừa.
Vì thế mà từ nguồn cảm hứng World Cup, của Huỳnh Như, chúng ta nên có ngay một tầm nhìn chiến lược cho bóng đá nữ. Số lượng các CLB phải nhiều hơn, các cầu thủ cần được trang bị vốn sống, kiến thức ngoại ngữ tốt hơn để ra nước ngoài thi đấu. So với bóng đá nam, đẳng cấp của bóng đá nữ Việt Nam đủ để chơi bóng tại nhiều quốc gia phát triển, kể cả châu Âu.