Ngày 8/9 vừa qua, thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới Zara khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Đây là sự kiện nóng đối với các tín đồ thời trang Việt. Từ 12h trưa ngày khai trương cho đến nhiều ngày sau, khách đến Zara đông nghẹt, xếp hàng dài chờ thử đồ và thanh toán.
Sức nóng của thương hiệu này càng tăng mạnh khi ngay sau ngày đầu tiên, trên Instagram của một người được cho là nhân viên của Zara Việt Nam chia sẻ dòng trạng thái cho biết cửa hàng này đạt 5,5 tỷ đồng doanh thu, đạt mức cao nhất trên toàn thế giới.
Con số thực tế chưa được xác nhận, tuy nhiên chính quản lý thương hiệu này của Zara cũng cho bất ngờ cho biết:
“Ngày khai trương thật tuyệt vời, vì trước đây tôi không nhận ra rằng lượng khách lại có thể đông đến như vậy. Ngày hôm qua, cửa hàng đông nghịt từ khi mở cửa đến lúc đóng cửa. Khách hàng Việt Nam rất hào hứng với sản phẩm của chúng tôi".
Tại sao thương hiệu bình dân này lại ‘hot’ đến vậy?
Thị trường 6 tỷ USD đầy tiềm năng
Người Việt Nam vốn có câu “ăn cho mình, mặc cho người” để nhấn mạnh vai trò của việc đầu tư cho vẻ bề ngoài. Cùng với việc đô thị hóa nhanh chóng, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu là nhu cầu ngày càng cao về tiêu dùng thời trang đến từ những thương hiệu nổi tiếng.
Bên cạnh đó trong cơ cấu hơn 94 triệu dân số hiện nay của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn nhất là giới thanh niên trong độ tuổi từ 20-35. Đây cũng chính là nhóm khách hàng chính của những thương hiệu thời trang đang có mặt trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Nguồn: populationpyramid.net
Theo nhận định của ông Eric Duy Huỳnh, quản lý cao cấp của Sun FDS Holdings chia sẻ tại sự kiện thời trang VIFF 2014, nếu tính gộp toàn thị trường tại thời điểm này thì tổng doanh thu bán lẻ thời trang tại Việt Nam vào khoảng 100.000 tỷ đồng.
Với tốc độ tăng trưởng đều đặn 15-20% mỗi năm, có thể ước tính hiện tổng doanh thu thị trường này vào khoảng hơn 130.000 tỷ đồng - con số khổng lồ hấp dẫn bất kỳ thương hiệu thời trang quốc tế lớn nào.
Mặc dù thị trường trong nước đầy tiềm năng nhưng lại đang bị bỏ ngỏ bởi các doanh nghiệp dệt may trong nước. Việt Nam luôn đứng đầu trong những nước xuất khẩu sản phẩm dệt may với giá trị kim ngạch đạt 22,81 tỷ USD năm 2015, đặt mục tiêu 31 tỷ năm 2016.
Cũng theo ông Huỳnh, những năm gần đây các doanh nghiệp tham gia VIFF chỉ đóng góp khoảng 10% thị phần trong tổng sức mua thị trường trong nước.
Thiếu thương hiệu thời trang Việt phù hợp với số đông giới trẻ
Xem xét trên thị trường thời trang số lượng thương hiệu Việt được người tiêu dùng biết đến còn khá ít ỏi, có thể kể đến như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10.
Tuy nhiên đối tượng khách hàng của hầu hết các thương hiệu này là dân văn phòng, với trang phục công sở trang trọng, thiếu những thương hiệu có phong cách đa dạng, trẻ trung.
Nói như vậy không có nghĩa doanh nghiệp nội chưa từng ngó ngàng đến thị trường thời trang nội địa dành cho giới trẻ.
Một số thương hiệu có thể kể đến như Foci của Công ty thời trang Nguyên Tâm, Blue Exchange của công ty thời trang Xanh Cơ Bản, PT200 của công ty TNHH may Phạm Tường 2000, Ninomaxx của Công ty thời trang Việt. Tuy nhiên điểm yếu của những thương hiệu này là thiết kế chưa đuổi kịp được xu hướng thời trang của giới trẻ.
Lợi thế về tiềm lực tài chính, đội ngũ thiết kế hùng hậu, cùng mức giá vừa phải, những cái tên quốc tế như Zara hay H&M một khi gia nhập thị trường dễ dàng nhận được sự đón nhận của giới trẻ sành điệu trong nước. Sau Zara, có thể H&M sẽ sớm chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 2017.
Trước đây nhiều thương hiệu thời trang đình đám nước ngoài như CK, Levis, Gucci, Mango… vào Việt Nam thường qua kênh nhượng quyền những công ty lớn như IPP, Maison. Chính vì qua khâu trung gian và là những thương hiệu tầm trung trở lên nên mức giá cũng không hề rẻ với số đông.
Zara thì khác. Với chiến lược giá ở mức chấp nhận được, hướng tới số đông, thương hiệu này chọn con đường có mặt trực tiếp nhằm cắt giảm chi phí trung gian là điều dễ hiểu.
Từ trước tới nay để mua được một món đồ thương hiệu bình dân như Zara, giới trẻ thường phải kết hợp cùng du lịch tới những thiên đường mua sắm trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hoặc thông qua những mối kinh doanh hàng xách tay.
Chính vì vậy việc không cần đi ra nước ngoài mà vẫn có thể ướm thử, mua sắm những bộ cánh thương hiệu thời trang thế giới là lý do khiến giới trẻ Việt Nam hào hứng chào đón Zara đến vậy.
Mức giá tốt và số lượng có hạn: Mua bây giờ hoặc không bao giờ nữa
Zara có giải pháp sáng tạo đối với cả vấn đề phong cách thời trang và marketing sản phẩm. Thay vì thuê những nhà thiết kế cao cấp, Zara lịch sự sao chép thiết kế.
Sau đó, thương hiệu này thu thập phản hồi của người mua hàng trên toàn thế giới để tinh chỉnh thiết kế. Họ thu nhận hàng nghìn ý khiến và sau đó gửi tới nhà sản xuất của họ tại châu Âu và Bắc Phi.
Do đó, các sản phẩm của Zara mang trong mình sự kết hợp nhiều phong cách thời trang khác nhau: nét bụi bặm của Gap, nét sang chảnh của Prada, hay chút cầu kỳ mang âm hưởng hoàng gia của Gucci.
Nhà sản xuất sẽ điều chỉnh thiết kế trong những loạt sản phẩm lần sau. Các cửa hàng thay đổi mẫu mã liên tục đến mức khách của Zara có tâm lý rằng, mua bây giờ hoặc không bao giờ vì chỉ vài tuần nữa, mẫu này sẽ không còn nữa.
Tại các cửa hàng của Zara, khách hàng luôn tìm thấy các sản phẩm mới nhưng số lượng có hạn.
Nhân viên của Zara chỉ bày một số lượng nhỏ các sản phẩm cùng loại dù mặt bằng thường rất rộng. Khách hàng có thể nghĩ: "Cái áo màu xanh này rất hợp với tôi và cửa hàng có rất ít sản phẩm. Nếu không mua bây giờ, cơ hội mua lại sẽ rất ít".
Dù bị nhiều người gọi là đồ "nhái" nhưng khách hàng vẫn đến với Zara bởi chất lượng tốt, thiết kế hợp thời và giá cũng mềm hơn so với các thương hiệu hạng sang.