Tại sao trẻ học nhiều nhưng không hiệu quả? Chuyên gia nổi tiếng "VẠCH TRẦN" nguyên nhân khiến không ít cha mẹ giật mình

Hiểu Đan |

Học nhiều không có nghĩa là chăm học, càng không có nghĩa là học hiệu quả. Rất nhiều học sinh dành phần lớn thời gian của mình để học nhưng hoàn toàn có thể là sự chăm chỉ giả tạo vì các em không thực sự tập trung, hoặc không hề có đam mê.

Không ít học sinh dành rất nhiều thời gian để học, tham gia vô số các khóa học khác nhau, chi phí bỏ ra không hề nhỏ nhưng không đạt được những mục tiêu đề ra. Ví dụ như bằng cấp, điểm số, thứ hạng mong muốn hay vượt qua được một kỳ thi quan trọng.

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, việc học cật lực nhưng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân: chẳng hạn học nhiều nhưng không hiểu, thiếu tập trung, hoặc không học vào trọng tâm, học lan man, thiếu mục tiêu, mất động lực học tập. Cũng có nhiều em không hiểu mục đích của việc học, khi đó, quá trình học chỉ là sự chấp hành quy định trường lớp, đáp ứng mong đợi của cha mẹ chứ không phải động lực tự thân.

Bên cạnh đó, các em cũng không làm chủ việc học của mình, chỉ thụ động theo sự sắp xếp của người khác. Chẳng hạn cha mẹ cảm thấy con cần học thêm piano, lắp ráp robot... thì các em làm theo chứ không phải là điều mình thực sự muốn hay quan tâm. Trong khi, động lực việc học rất quan trọng. Nó là yếu tố thúc đẩy bên trong để các em tự nguyện bước đi mà không cần cha mẹ kéo, đẩy.

Tại sao trẻ học nhiều nhưng không hiệu quả? Chuyên gia nổi tiếng VẠCH TRẦN nguyên nhân khiến không ít cha mẹ giật mình - Ảnh 1.

Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên

Số giờ học nhiều không đồng nghĩa với thành tích cao

Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, nghiên cứu cho thấy số giờ học chính thức của học sinh trong năm cao nhất không đồng nghĩa với kết quả học tập tốt nhất.

Ví dụ: ở một quốc gia có thời lượng học trong năm lên tới 1.400 giờ/năm như Hàn Quốc thì thành tích của học sinh không cao hơn so với một quốc gia có số giờ học ít hơn như Phần Lan (khoảng 600 giờ/năm). So sánh các quốc gia trên thế giới, người ta thấy số giờ học trung bình khoảng 800-1.200 giờ/năm. Ở Việt Nam khoảng hơn 1.000 giờ/năm, ở mức trung bình cao.

"Khi tăng lượng giờ học tập của học sinh lên một mức nào đó có thể tăng thành tích của các em. Tuy nhiên, nếu vượt qua "ngưỡng", ví dụ 1.000 giờ/năm thì hiệu quả sẽ giảm dần. Vì vậy, chúng ta cần linh hoạt trong vấn đề này, đừng lấy số lượng như một cách thức để thúc đẩy việc học.

Khối lượng học tập tối ưu khác biệt ở từng trẻ và từng lứa tuổi, từng môn học. Cha mẹ không nên gắn cho con một con số cứng nhắc mà nên lắng nghe phản hồi của các em để biết con thực sự cảm nhận như thế nào về việc học của mình".

Theo chuyên gia này, khối lượng học tập hoặc mức độ khó của học tập nên luôn ở mức đủ thách thức để gây hứng thú nhưng không khiến các em cảm thấy bị áp lực hay hụt hơi. Học sinh rất cần một chương trình học tập toàn diện và cân bằng về thể chất, trí tuệ hay các mối quan hệ xã hội.

Chúng ta không nên cắt xén phần này để ưu tiên hoàn toàn cho phần khác, chẳng hạn hạn chế thời gian chơi tập trung cho việc học. Bên cạnh đó, lạm dụng học thêm cũng sẽ dẫn tới hạn chế về những khía cạnh khác, như hy sinh giấc ngủ, vận động thể chất, tương tác xã hội.

Sẽ có những giai đoạn tạm thời như chuẩn bị cho việc ôn thi, các em có thể tăng thời lượng học lên nhưng nhìn chung, trong một tình huống thông thường thì cần duy trì được sự cân bằng ở tất cả các mặt.

Cha mẹ cần nắm rõ tình hình học tập cũng như diễn biến tâm lý của con để hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, lắng nghe nguyện vọng của con, biết con thích gì, mong muốn những gì. Tuyệt đối tránh áp đặt hoàn toàn suy nghĩ, nguyện vọng của cha mẹ lên con cái.

Trường hợp con thích các môn nghệ thuật hay thể thao thì cha mẹ nên tạo điều kiện để con phát huy, để con cân bằng giữa việc học và phát triển năng khiếu. Phụ huynh cũng có thể giúp con lên các kế hoạch học tập khoa học, hướng tới kết quả tốt nhất.

"Có một tâm lý phổ biến là cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao, từ đó có xu hướng nhồi nhét, ép con học quá nhiều. Thay vì vậy, nên luôn đảm bảo con có đủ thời gian thư giãn, khuyến khích con dành thời gian cho việc hoạt động thể chất mỗi ngày. Càng vận động thể chất bao nhiêu thì việc học sẽ được củng cố bấy nhiêu.

Cha mẹ cũng không nên so sánh con với các bạn đồng trang lứa mà hãy so sánh với chính bản thân con ngày hôm qua. Hãy ghi nhận cổ vũ con dù là tiến bộ nhỏ nhất thay vì nhìn vào điểm số. Hỗ trợ con cái còn phụ thuộc vào việc cha mẹ có tiếp tục phát triển và học tập hay không. Trong một môi trường mà cha mẹ tìm kiếm học tập những cái mới sẽ có tác động rất lớn đến trẻ, tạo nguồn cảm hứng cho con cái cố gắng hơn cho việc học tập.

Học với trẻ em là quan trọng nhưng học như thế nào cho có hiệu quả và giữ được niềm đam mê học tập, khám phá trọn đời mới là con đường lâu dài mà cha mẹ cần hướng tới", chuyên gia Bùi Khánh Nguyên nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại