Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và TP.HCM, đại diện các ban ngành cùng các chuyên gia uy tín đã tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong cho biết câu chuyện phát triển TP.HCM từ nhiều năm qua chưa bao giờ hết tính thời sự, nhất là với các nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp của TP.HCM cũng như hàng triệu người dân quan tâm.
Từ giữa tháng 2-2016, báo Tuổi Trẻ đã mở chuyên mục "Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM" trên báo Tuổi Trẻ Online và diễn đàn "TP.HCM - khát vọng vươn lên" từ cuối tháng 4- 2016 trên nhật báo Tuổi Trẻ.
Đến nay đã có hơn 9.500 bài viết, ý kiến từ chuyên gia, cựu lãnh đạo của Trung ương, TP.HCM, người dân thành phố, kể cả người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài gửi về.
"Điều khiến những người làm báo chúng tôi vô cùng cảm kích là tất cả các bài viết, ý kiến trên dù được thể hiện nhiều hình thức khác nhau, dưới dạng thư điện tử hay được viết tay trên giấy, đều có chung tâm huyết muốn được góp công sức không chỉ để không chỉ TP.HCM mà cả nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đời sống người dân cải thiện nhiều hơn nữa", Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong cho biết.
Phát biểu đặt hàng cho những thảo luận tại hội thảo, Phó trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng TP.HCM cần có quy hoạch với tầm nhìn trong 20-30 năm tới, tạo môi trường và điều kiện cho doanh nghiệp tự do cạnh tranh thực sự, đặt mục tiêu TP.HCM phải nằm trong top 5 TP các chỉ số quản trị.
Phải đề xuất với trung ương cho TP.HCM các chính sách vượt trội để thực sự trở thành đầu tàu và động lực tăng trưởng của TP phía Nam. "Muốn TP.HCM trở thành động lực tăng trưởng, bắt buộc phải có cơ chế vượt trội.
Đó là cơ chế chính sách phân bổ và sử dùng nguồn lực cho phát triển: đất đai tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ, đổi mới toàn diện giáo dục, khoa học công nghệ... tạo ra động lực cho sự phát triển", ông Bảo nói.
Bức xúc trước những cơ hội đã chưa đưa TP.HCM thực sự vươn lên phát triển tương xứng với tầm vóc của trung tâm kinh tế đầu tàu phía Nam và cả nước, PGS tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế VN - đặt vấn đề "điều gì đã làm cho TP.HCM chưa trở thành đầu tàu phát triển, hiện nay TP.HCM không còn chạy như một đầu tàu thực sự mà chỉ như một toa tàu".
"TP.HCM là đầu tàu, có ai chịu trách nhiệm về sự tụt hậu này? Tại sao đầu tàu mà lại chạy chậm...?", ông Thiên hỏi.
Ông cho rằng TP.HCM đã tụt hậu xa hơn một số TP khác, những TP mà 40-50 trước cùng trình độ xuất phát như TP.HCM.
"Có phải vì các TP kia có lợi thế đặc biệt hay họ chọn được hướng phát triển phù hợp xu thế thời đại, biết đẩy mạnh cải cách thể chế.
Nếu xét về vì có lợi thế nên ta lại lúng túng không bứt lên được, những TP kia không có lợi thế nên họ lại bứt phá lên rất mạnh: hội tụ và hội nhập quốc tế?".
Ông đặt thẳng với các cử toạ câu hỏi "TP.HCM đã có tầm nhìn vượt lên chưa? Thể chế cho sự phát triển của TP này đã có chưa?".