Súng đã lên đạn hướng về Aleppo tiếp theo?

Minh Đức |

Sau Aleppo, quân đội Syria đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi mới?

Hôm Thứ Năm (22/12), quân đội Syria tuyên bố đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn Aleppo sau khi những tay súng cuối cùng rời khỏi thành phố. Đây được coi là thắng lợi lớn nhất của Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad trong cuộc xung đột thảm khốc, kéo dài gần 6 năm tại quốc gia Trung Đông.

VINH QUANG CHIA SẺ TẠI ALEPPO

Trong tuyên bố mới nhất, quân đội Syria cho biết “sự an toàn và an ninh đã được đem trở lại thành phố Aleppo”, cuộc chiến bốn năm đối đầu với lực lượng nổi dậy tại thành phố phía Bắc của Syria đã kết thúc. “Chiến thắng này là một cột mốc vô cùng quan trọng”, bản tuyên bố nêu rõ.

Việc giành lại được quyền kiểm soát Aleppo là thắng lợi có ý nghĩa nhất, mà Tổng thống Assad từng đạt được trong cuộc chiến đẫm máu đã cướp đi hơn 300.000 mạng người tại Syria.

Tuy nhiên, giải phóng Aleppo không đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho chiến sự Syria, khi một phần lớn lãnh thổ đất nước này vẫn đang trong vòng kiểm soát của những lực lượng nổi dậy và các nhóm Hồi giáo.

Chiến thắng của ông Assad tại Aleppo là một vinh quang được chia sẻ giữa quân đội Syria với Nga và các lực lượng đồng minh của Iran. Không lực Nga đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu do quân nổi dậy nắm giữ tại Aleppo.

Trong khi đó, các lực lượng quân đội do Iran ủng hộ - dẫn đầu bởi nhóm du kích Li-băng Hezbollah - cũng gửi hàng nghìn quân lính đến chiến trường này.

Tại phía nam thành phố - phần lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của quân chính phủ trong suốt cuộc chiến - tối thứ Năm là một đêm ăn mừng đầy phấn khích với pháo hoa, súng chỉ thiên và các bữa tiệc đường phố. Những đám đông nhảy múa, vẫy cờ và ảnh Tổng thống Assad, hô to các khẩu hiệu ca ngợi quân đội và chính quyền.

Truyền hình quốc gia Syria cho biết, những nhóm nổi dậy cuối cùng và gia đình – những người từng chiếm đóng một phần nhỏ ở phía Đông Aleppo - đã chính thức rút khỏi Aleppo, theo một thỏa thuận cho phép quân đội và các đồng minh hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Theo Liên Hợp Quốc, trong vòng một tuần, có ít nhất 34.000 người, bao gồm cả dân thường và các tay súng đã rời khỏi đông Aleppo, giữa điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Tuy nhiên, còn hàng nghìn người khác vẫn lựa chọn ở lại.

“Quá trình di tản rất đáng lo ngại, với rất nhiều người phải đợi hàng giờ ngoài trời, giữa thời tiết 0 độ,” Farhan Haq, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết.

GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG

Giai đoạn cuối của quá trình di tản kết thúc cùng với việc một phái đoàn gần 150 người, bao gồm cả các tay súng và những thành viên trong gia đình của họ, rời khỏi Aleppo và hướng về những khu vực đang thuộc quyền kiểm soát của các lực lượng nổi dậy bên ngoài thành phố.

Truyền thông Syria đưa cảnh một đoàn người vượt nút giao lộ Ramousah ở Nam Aleppo để đến al-Rashideen, thuộc vùng nông thôn ở phía Tây Nam thành phố. Cùng lúc đó, hai chiếc xe buýt chở người dân từ hai ngôi làng thân chính phủ al-Foua và Kefraya – đang bị quân nổi dậy vây hãm tại tỉnh Idlib – đã đến Aleppo.

Tổ chức “Những nhà quan sát Syria vì Nhân quyền” cho biết, có khoảng 900 dân thường đã được di chuyển từ al-Foua và Kefraya đến những khu vực được chính phủ kiểm soát tại Aleppo trong tuần di tản. Đây là một phần của thỏa thuận di tản, được các lực lượng thân chính phủ Syria kiên quyết đưa vào trong quá trình thương thảo.

Theo thỏa thuận do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng, kể từ tuần trước, các đoàn xe buýt và ô tô con đã đem hàng nghìn dân thường và các tay súng rời khỏi điểm kiểm soát cuối cùng của quân nổi dậy tại Aleppo, ra khỏi thành phố. “Mọi việc đã xong.

Quá trình di tản đã kết thúc và chuyến xe buýt cuối cùng đã rời đi,” Ahmad al-Dbis, một nhân viên y tế đứng đầu nhóm di tản người bệnh khỏi Aleppo cho biết.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Mỹ không đưa ra bình luận đối với phát ngôn của quân đội Syria về việc đã giành được quyền kiểm soát toàn bộ Aleppo.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby nói: “Họ [quân đội Syria] cần phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn, sự tàn khốc, nạn đói và tội ác mà họ gây ra tại Aleppo.”

Nước Mỹ không có mặt trong quá trình thương lượng dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn tại Aleppo. Washington cũng “làm kẻ bên lề” trong quá trình Tổng thống Assad và các đồng minh của mình “kề vai sát cánh” chống lại các lực lượng nổi dậy ở đông Aleppo.

ĐÃ XÁC ĐỊNH ALEPPO TIẾP THEO?

Theo Hãng tin Reuters, sự xuất hiện của hàng nghìn người tị nạn đến từ Aleppo tại Idlib, đang làm dấy lên nỗi lo rằng thành phố này (hiện do quân nổi dậy kiểm soát) sẽ là mục tiêu tiếp theo của lực lượng quân đội chính phủ.

Tổng thống Assad từng tuyên bố, chiến tranh còn lâu mới kết thúc, và quân đội của ông sẽ tiến đến các khu vực khác mà quân nổi dậy đang nắm giữ.

“Rất nhiều người đã đến Idlib, theo lý thuyết, đây sẽ có thể là Aleppo tiếp theo,” Đặc phái viên của Liên Hợp quốc Staffan de Mistura phát biểu tại Geneva, Thụy Sỹ. Ông Mistura kêu gọi, nếu muốn tránh một cuộc chiến đẫm máu như Aleppo, cần phải thi hành một lệnh đình chiến trên toàn lãnh thổ Syria.

Trong một bình luận được đưa ra sau khi gặp gỡ phái đoàn cấp cao Iran, Tổng thống Assad cho biết, những thắng lợi của ông trên chiến trường là “một bước tiến cơ bản trên con đường kết thúc chủ nghĩa khủng bố tại Syria, và kiến tạo nên những điều kiện cần thiết để tìm ra một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh.”

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tiết lộ, các cuộc không kích của Nga tại Syria đã giết chết 35.000 tay súng đối lập và làm gián đoạn quá trình bùng nổ một loạt các cuộc nổi dậy tại Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại