Sức mạnh tên lửa chống tăng đẩy Mỹ lâm nguy ở Trung Đông

An Bình |

Một lớp vũ khí mạnh mẽ được nâng cấp đã tràn ngập các chiến trường ở Trung Đông, đe dọa ngay cả những xe tăng chiến đấu tinh vi nhất.

Diễn biến này cũng cho thấy một khoảng trống trong sự chuẩn bị của quân đội Hoa Kỳ để đối phó với tình hình này.

Những tên lửa chống tăng này- còn được gọi là ATGM - được phát triển lần đầu tiên cách đây nhiều thập kỷ, nhưng những năm gần đây đã có những tiến bộ trong công nghệ. Việc dễ sử dụng và sẵn có trên chiến trường khiến chúng trở thành mối đe dọa đáng sợ và còn ít được chú ý đến đối với quân đội Hoa Kỳ.

Hệ lụy từ chiến tranh ủy nhiệm

Sự phổ biến của loại vũ khí này phần lớn là kết quả từ những nỗ lực của các cường quốc như Hoa Kỳ, Nga và Iran để trang bị và huấn luyện cho các lực lượng ủy nhiệm, bằng cách gửi cho họ tên lửa chống tăng cùng với các vũ khí khác.

Một chương trình hỗ trợ của Hoa Kỳ bắt đầu vào giữa năm 2013 đã cung cấp nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa ATGM cho lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền ông Assad ở Syria. Ông Trump sau đó đã hủy bỏ chương trình này, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với Nhật báo Phố Wall rằng chương trình này sẽ để vũ khí rơi vào tay al Qaeda.

Omar Lamrani, một nhà phân tích quân sự cấp cao của công ty tình báo quốc phòng Stratfor có trụ sở tại Austin, Texas, cho biết, "hoàn toàn có khả năng Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với một số ATGM tương tự mà họ đã chuyển giao trong quá khứ tới Trung Đông.

Nhà nước Hồi giáo IS và các nhánh của al Qaeda, trong số nhiều lực lượng khác, hiện đang sở hữu tên lửa do Mỹ sản xuất.

Theo các nhà phân tích theo dõi sự phổ biến vũ khí, những lực lượng này và các thế lực phi nhà nước khác ở Trung Đông cũng có tên lửa chống tăng. Một số trong những vũ khí này, dựa trên các thiết kế của Hoa Kỳ, được sản xuất tại Bulgaria, Trung Quốc, Pháp, Iran và Nga.

Không giống như súng chống tăng thông thường, có tầm bắn vài trăm thước và không thể định hướng được, một ATGM hiện đại thường được bắn từ một dặm trở lên và sau đó hướng đến mục tiêu bằng cách điều khiển giống như trò chơi video.

John Gordon, nhà phân tích của Rand Corp cho biết, ATGM hiện đại có thể xuyên thủng tấm thép cán nguội từ 1.000 mm trở lên, và nói thêm rằng, không có gì trên chiến trường có thể an toàn khi vũ khí này có thể bắn xuyên qua lớp bọc thép 3 feet (gần 1m).

Những thứ vũ khí nguy hiểm này hiện đang nằm trong tay các nhóm như ISIS, Taliban và Hezbollah, trong khi số lượng lực lượng quân sự phi nhà nước ngày càng tăng.

Israel dẫn đầu về công nghệ đối phó ATGM

Lục quân Mỹ đang xúc tiến một chương trình trang bị cho các phương tiện chiến đấu một lớp thiết giáp tiên tiến được thiết kế để chống lại mối đe dọa ATGM.

Trong khi Tổng thống Trump đã ra lệnh rút các lực lượng Hoa Kỳ khỏi Syria, hiện vẫn có hơn 2.000 lính Mỹ ở đó, cùng với khoảng 5.000 lực lượng ở Iraq, 14.000 lính ở Afghanistan và nhiều nhân sự khác ở Trung Đông và Châu Phi.

Israel hiện đang dẫn đầu thế giới trong việc thực hiện các biện pháp phòng thủ chống lại các vũ khí này khi họ phải đối mặt với các mối đe dọa về phổ biến tên lửa trong hơn một thập kỷ. Trong thời gian đó, các lực lượng Mỹ đã chiến đấu với các đối thủ thường sử dụng các thiết bị nổ, mìn và súng chống tăng thông thường thay vì tên lửa thực sự.

"Hầu hết thời gian chúng tôi ở Iraq và Afghanistan, chúng tôi không quá quan tâm đến tên lửa chống tăng có dẫn đường", Đại tá Mỹ Glenn Dean, giám đốc dự án nhóm chiến đấu bọc thép Stryker của lục quân Mỹ cho biết.

Hai công ty của Israel đã đi đầu trong việc phát triển những công cụ được gọi là có tác dụng bảo vệ tích cực hay lớp bọc thép chủ động. Đây là một hệ thống công nghệ cao sử dụng các cảm biến để phát hiện tên lửa tới và triển khai vũ khí đánh chặn – xóa sổ mối đe dọa giữa đường bay.

Vào năm 2009, khi người Israel tiến lên với công nghệ này, còn Lầu Năm Góc thì xóa sổ một chương trình lục quân trị giá hàng tỷ đô la được gọi là Hệ thống Chiến đấu Tương lai, trong đó có phát triển lớp bọc thép chủ động.

Quân đội Mỹ đã làm việc về công nghệ này từ những năm 1950, nhưng cuối cùng vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống áo giáp của Israel cho các phương tiện chiến đấu hàng đầu và làm chậm quá trình phát triển công nghệ "cây nhà lá vườn".

Các quan chức quân đội và các nhà phân tích quân sự đổ lỗi cho việc đình trệ chương trình bọc thép vì nó nằm trong chương trình sáp nhập hệ thống phức tạp của lục quân – điều mà Tham mưu trưởng lục quân hiện tại, Tướng Mark Milley, cho biết ông muốn sắp xếp hợp lý hóa hơn.

Tổng thống Trump vào tháng 12 đã chọn Tướng Milley trở thành Chủ tịch tiếp theo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Lầu Năm Góc thay cho Tướng Joseph Dunford khi ông này về hưu.

Vào năm 2014, lục quân đã khởi động một chương trình xúc tiến nhanh sự phát triển của các hệ thống áo giáp cho nhiều loại phương tiện khác nhau. Wayne Beutler, phó giám đốc của dự án Khả năng sống sót trên xe mặt đất của lục quân, cho biết chương trình này hiện đang mang lại kết quả, một phần bằng cách tìm ra lý do tại sao các chương trình trước đó chưa đi đến thành công.

Trong khi lục quân đang tìm kiếm giải pháp tự lực cánh sinh, quân đội Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục dựa vào các hệ thống bên ngoài, đặc biệt là từ các công ty Israel, vì nhu cầu phòng vệ chủ động của họ.

Đầu năm nay, Lục quân đội hủy bỏ việc tham gia đấu thầu của một công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ về trang bị cho chiếc xe chiến đấu Stryker, với lý do kém hiệu quả trong các thử nghiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại