Đó là câu chuyện xót lòng về cậu bé Nguyễn Văn Tuấn, ở Tổ 10A, khu 5, phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Sinh ra với khuôn mặt hơi phù, sống mũi thấp, chị Nguyễn Thị Thi mẹ Tuấn vẫn cứ nghĩ đó là do bẩm sinh. Tháng 3 năm 2012, thấy da con mình ngày càng vàng, mặt càng phù và sống mũi có dấu hiệu thụt sâu vào trong, thỉnh thoảng con lại hay kêu đau mỏi chân tay, chị Thi quyết định cho con đi khám.
Cậu bé Nguyễn Văn Tuấn, 8 tuổi, không có cha đang phải gồng mình chống chọi với căn bệnh thiếu máu huyết tán
Sau khi xét nghiệm máu và tủy, bác sĩ kết luận Tuấn bị bệnh thiếu máu huyết tán. Lúc này chị Thi mới ngã ngửa và bàng hoàng vì con mình đã mắc phải căn bệnh khó mà chữa trị này.
Khuôn mặt chai sạm, khắc khổ của người mẹ đơn thân nghèo khổ buồn rười rượi kể lại bệnh tình của cậu con trai duy nhất. Chị vẫn nhớ như in cái cảm giác rụng rời tay chân, hoang mang đến cùng cực khi nhận về tờ giấy xét nghiệm kết luận bệnh của con.
“Lúc đó tôi như chết đi một nửa con người. Chân tay rụng rời, không còn cảm giác. Tôi không thể tin đó là sự thật. Tuấn là niềm hy vọng duy nhất của tôi và bà ngoại cháu. Căn bệnh Tuấn mắc phải lại hết sức hiểm nghèo và chạy chữa rất tốn kém, lâu dài. Sao bất hạnh lại đổ ập lên con tôi như thế?...”, chị Thi nghẹn ngào nói.
Bác sĩ nơi Tuấn điều trị hỏi chị Thi là có đủ 500 trăm triệu để thay tủy cho con không? Nhìn lại hoàn cảnh của gia đình mình, nhìn con đang hằng ngày mòn mỏi dần vì bệnh tật, chị chỉ biết khóc, khóc vì bất lực.
Tuấn cần có 500 triệu để được thay tủy nhưng gia cảnh nghèo khó, người mẹ đơn thân chỉ biết nhìn con và khóc tức tưởi trong sự bất lực của bản thân.
Một thân một mình nuôi con khôn lớn những mong sau này về già có một nơi để nương tựa. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã đang cướp đi của chị niềm hy vọng duy nhất ấy.
Từ nhỏ Tuấn đã thiếu thốn tình cảm, thiếu bàn tay săn sóc của người cha, giờ đây em lại mang trong mình căn bệnh quái ác. Nỗi đau, nỗi mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần có lẽ sẽ bám riết lấy Tuấn suốt quãng ngày còn lại.
Với số tiền ít ỏi hàng tháng kiếm được nhờ việc nhặt mót than, chị Thi phải lo học phí cho con, lo trang trải sinh hoạt hàng ngày cho người mẹ già, cho đứa con nhỏ, và giờ đây mỗi tháng chị phải lo 700 nghìn đồng để truyền máu cho con.
“Nhiều hôm đau nhức xương khớp, đau mỏi lưng hông vì căn bệnh thoái hóa tôi lại phải nghỉ làm, không thể cố được. Cũng nhờ có số tiền nhà trường ủng hộ nên mấy tháng qua cháu đã được đi truyền máu. Tôi thật sự không biết làm thế nào khi cơm ăn từng bữa của 3 mẹ con, bà cháu phải chạy từng bữa lấy đâu ra tiền để chữa trị cho cháu.
Nghèo khổ là thế những tôi vẫn cố gắng cầm cự đến ngày nào hay ngày đó. Tôi chỉ mong cháu khỏe mạnh, được cắp sách tới trường, được nô đùa với bạn bè…” chị Thi nói trong tiếng nấc nghẹn.
Bà ngoại Tuấn, tức bà Nguyễn Thị Tám, tuy đã hơn 70 tuổi nhưng chiều chiều có mớ rau trồng được ở vườn bà lại lọ mọ đem ra chợ bán. Có ngày được 5 mớ cải, có ngày được 3 súp lơ… mỗi lần như thế cũng được 10-20 nghìn đồng. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng có rau để bán.
“Được đồng nào hay đồng đó, thỉnh thoảng thêm vào mua thức ăn giúp mẹ cu Tuấn.” bà Tám tâm sự. Tuổi đã cao, sức cũng đã yếu nhưng bà Tám vẫn cố gắng gượng, mưa hay bão, nắng hay gió thì bà vẫn đưa đón Tuấn tới trường, vẫn cơm nước cho cháu mỗi khi chị Thi đi làm.
Thương mẹ, thương bà ngoại, Tuấn vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau của bệnh tật và vươn lên trong học tập
Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Tuấn thương mẹ lắm, thấy mẹ hay nghỉ làm đưa mình đi viện, Tuấn bảo với bà ngoại rằng Tuấn ở nhà, ăn cơm với bà là khỏe rồi, không cần phải đi viện.
Nhiều hôm thấy con kêu đau mỏi chân tay, chị Thi lại nghỉ làm để ở nhà với con. Đến đêm, gối đầu trên tay mẹ, Tuấn thủ thỉ: “Mẹ chịu khó đi làm kiếm tiền đi. Con ở nhà với bà ngoại rồi. Mẹ không phải lo đâu, con khỏe như con siêu nhân này này…” Nói rồi Tuấn giơ con siêu nhân cậu bạn hàng xóm mới cho lên trước mặt mẹ tíu tít khoe.
Cuộc sống của hai mẹ con Tuấn có lẽ sẽ là những thăng trầm kể từ đây. Nhưng ý chí và nghị lực sẽ phần nào giúp hai mẹ con quên đi và sống tiếp những ngày còn lại. Tuấn vẫn tới trường, vẫn nở nụ cười và nô đùa với đám bạn. Mong rằng nụ cười ngây ngô đó sẽ không bao giờ vụt tắt trên môi em.