Thông tin trên được ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết ngày 17/2. Theo đó tình hình một số loại bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TPHCM đang có những diễn biến phức tạp, đáng chú ý nhất là bệnh SXH và bệnh tay chân miệng.
Thời điểm cuối năm ngoái, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán, bệnh SXH đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại do công tác phòng chống dịch không thực sự quyết liệt. Chỉ trong 1.5 tháng đầu tiên của năm 2012, đã có hơn 1.300 ca mắc mới, tập trung nhiều nhất ở quận 8, quận 7, quận Tân Phú, quận 5, quận Tân Bình. Thực tế này khiến thành phố đứng trước nguy cơ bùng phát một đợt dịch SXH mới nguy hiểm hơn vào mùa mưa.
Người dân phải chủ động giữ gìn sức khỏe của bản thân và gia đình
Ông Nguyễn Đắc Thọ yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng các quận huyện phải quyết liệt trong công tác phòng chống bằng các biện pháp rà soát đánh giá liên tục tình hình dịch bệnh trước mùa mưa, đồng thời triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất tại những vùng có yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh SXH, bệnh tay chân miệng (TCM) cũng đang có chiều hướng tăng trở lại. Thời điểm trước tết, thành phố chỉ ghi nhận khoảng gần 80 ca mắc bệnh mỗi tháng nhưng đến nay số ca mắc TCM đã tăng lên hơn 100 bệnh nhân/tháng. Dự báo, TCM sẽ còn tiếp tục tăng nhanh vào thời điểm tháng 3 và tháng 4.
Trước tình hình trên, ngành y tế thành phố đang đẩy mạnh công tác kiểm soát TCM tại các trường mầm non bằng các biện pháp hướng dẫn và vệ sinh khử khuẩn. Trung tâm Y tế dự phòng cũng yêu cầu các trung tâm y tế cơ sở hỗ trợ các trường học thực hiện công tác phòng chống dịch và cung cấp hóa chất cho các quận huyện.
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo người dân chủ động diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm quanh khu vực gia đình sinh sống, thực hiện ngủ mùng để tránh muỗi gây bệnh SXH. Bên cạnh đó, cần rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với trẻ, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần bằng các dung dịch sát khuẩn tại khu vực trẻ học tập, vui chơi để phòng bệnh TCM.
Theo Vân Sơn
Dân trí