Tiền mất tật mang vì chữa ung thư ở Trung Quốc

havan |

Anh Quang đưa bố sang TQ chữa bệnh, sau 5 tuần, chi phí đã là 435 triệu đồng nhưng người thì không cứu được.

Theo lời anh Quang (Hà Nội), bố anh bị ung thư phổi giai đoạn 2 và theo điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội). Đến tháng 3 vừa rồi, ông đã truyền xong phác đồ 1 được 6 lần hóa chất, sau đó mỗi tháng đến viện thử máu, kiểm tra lấy thuốc. Theo các bác sĩ, khi đó, tình trạng của bố anh ổn định.

Tuy nhiên, đến tháng 6, gia đình có nghe quảng cáo về Bệnh viện hiện đại Quảng Châu giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư nên quyết định thử.

Bố tôi bị đưa vào ở phòng VIP (là phòng đắt nhất) 2, 3 ngày sau đó mới chuyển sang phòng thường và được điều trị bằng cách bắn hạt nhân và nút mạch. Bệnh viện không thu tiền một lúc mà rải ra, mỗi lần 100 triệu đồng. Đến khi bố tôi được cho về nước thì số tiền phải đóng đã gấp hơn 2 lần số tiền được tư vấn ban đầu (dự kiến một tháng hết 200 triệu, nhưng hơn tháng đã mất 435 triệu)”, anh Quang cho biết.

tien-mat-tat-mang-vi-chua-ung-thu-o-trung-quoc

Bệnh nhân chờ ở khu vực thu tiền xét nghiệm tại Bệnh viện K, Hà Nội.

Tiền mất nhiều nhưng càng điều trị sức khỏe của bố anh càng yếu đi. Hỏi bác sĩ thì gia đình nhận được câu trả lời “Cứ an tâm do bệnh nhân được áp dụng điều trị các phương pháp mới nên hơi mệt, mấy hôm nữa sẽ khỏi”.

"...Đến khi được cho về nước, bố tôi không ăn uống, đi vệ sinh được và 4 ngày sau (8/7) thì tử vong. Họ nói rằng bố tôi mất không rõ nguyên nhân”, anh Quang chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, hiện là Phó chủ tịch Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam cho biết, bản thân ông năm ngoái cũng gặp một bệnh nhân bị ung thư phổi điều trị bằng hạt phóng xạ ở Trung Quốc. Sau 2-3 đợt, người bệnh về nước kiểm tra thì phát hiện bệnh không thuyên giảm, nên phải vào Bệnh viện K phẫu thuật.

May mắn là bệnh còn có thể mổ được. Đến giờ, bệnh nhân vẫn sống và khỏe mạnh”, giáo sư Đức nói.

Theo giáo sư Đức, gần đây rộ lên một số bệnh viện ngoại, trong đó đáng lưu ý là Bệnh viện Hiện đại Quảng Châu của Trung Quốc chữa bệnh bằng phương pháp mới, cấy phạt phóng xạ và kết hợp y học cổ truyền.

Bệnh viện này lập hẳn một trang web giới thiệu bằng tiếng Việt, quảng cáo những lời hoa mỹ như: các chuyên gia ưu tú đầu ngành ung bướu thành lập một đoàn hội chẩn làm việc trên tinh thần tương trợ trí tuệ, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả với từng ca bệnh, thoát khỏi lối mòn trị liệu theo tư duy cá nhân truyền thống hay áp dụng hình thức trị liệu mới “thâm nhập” khối u theo hình thức tiểu phẫu, Đông Tây y kết hợp, thành tựu trị liệu siêu việt, liệu pháp cấy hạt phóng xạ…

tien-mat-tat-mang-vi-chua-ung-thu-o-trung-quoc

Giáo sư Nguyễn Bá Đức

Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, người bệnh nên thận trọng trước những lời quảng cáo. Thực chất thì việc dùng phóng xạ chữa bệnh không mới, vấn đề là cấy như thế nào và có giải quyết được bệnh ung thư hay không thì cần nghiên cứu.

Giáo sư cho biết trên thế giới với những phương pháp chữa bệnh mới thì cần sự phối hợp nghiên cứu nhiều trung tâm trong một nước, thậm chí là nhiều nước để có được sự khách quan. Trong những trường hợp này, người bệnh được chọn vào thử nghiệm, nhiều khi người chủ đề tài còn phải trả tiền cho bệnh nhân, bảo vệ khi xảy ra rủi ro vì họ đã tình nguyện hiến thân cho khoa học để làm thí nghiệm.

Phương pháp cấy hạt phóng xạ thì chưa có nước nào dùng trừ Trung Quốc. Một số khác nơi áp dụng nhưng ở dạng khác, phương pháp khác. Tôi không dám nói đây là phương pháp không khoa học nhưng nó còn phải được đánh giá và nghiên cứu. Nếu cứ nghe quảng cáo và theo điều trị, nhiều khi chúng ta trở thành vật thí nghiệm không công”, giáo sư Đức nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông thì Việt Nam có đầy đủ các phương tiện điều trị hiện đại và cũng chữa theo phác đồ như thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại