Theo ghi nhận của Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, riêng trong tuần qua, tại địa bàn này có 322 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tuần trước đó có 320 ca mắc. Trong khi cùng thời điểm này, năm ngoái chỉ có 76 ca mắc. Tính đến nay, TPHCM đã có 11.036 trường hợp mắc TCM.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) - cho biết những ngày qua, bệnh TCM tại khoa luôn ở mức cao, tương đương lúc cao điểm, ngày thứ hai đầu tuần có đến 180 bệnh nhi TCM nằm viện; những ngày còn lại trong tuần luôn có từ 130-150 bệnh nhi điều trị tại khoa. Bệnh nhi từ các tỉnh chuyển về luôn chiếm từ 80-90%. Tuy nhiên, địa phương này chưa công bố dịch.
Trong khi đó, ngày 7.11, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định công bố dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh. Đây là tỉnh đầu tiên công bố dịch TCM. Tính đến thời điểm công bố dịch, tại Ninh Thuận có 471 ca mắc TCM, 3 trường hợp tử vong.
Hôm qua, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: “Số mắc mới TCM vẫn ở mức cao và tiếp tục xảy ra tử vong. Cho đến thời điểm này, số mắc TCM cả nước là 84.812 ca, số tử vong đã tăng lên 142 trường hợp (28 tỉnh thành có ca tử vong). So với tuần trước, số ca mắc TCM của tuần gần đây nhất giảm 3,6% nhưng vẫn ở mức cao với hơn 2.000 ca mắc mới”.
Như vậy, so với con số do Bộ Y tế công bố ngày 25.10 (mắc TCM cả nước là 77.895 trường hợp, bệnh xảy ra tại 63 tỉnh thành, 137 trường hợp tử vong), thì chỉ trong vòng 2 tuần qua, số mắc mới tăng thêm đến gần 7.000 ca, số tử vong cũng tăng thêm 5.
Vừa qua, dư luận đặt vấn đề về việc bệnh TCM diễn biến phức tạp nhưng Bộ Y tế vẫn không công bố dịch. Khi đó, Bộ Y tế nói rằng trách nhiệm công bố dịch TCM (dịch bệnh nhóm B) thuộc các địa phương. Bộ Y tế chỉ công bố dịch khi đã có hai địa phương công bố dịch.
Trước thực tế đã có một tỉnh công bố dịch, ông Nguyễn Văn Bình nói: “Liên tục những ngày qua có 16 đoàn kiểm tra việc thực hiện công điện của Thủ tướng về phòng chống dịch TCM tại 33 địa phương, nhưng hiện vẫn chưa có thêm địa phương nào ngoài tỉnh Ninh Thuận báo cáo dịch ngoài tầm kiểm soát.
Tỷ lệ mắc TCM tại VN hiện chưa đến 1/1.000 dân. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ này tại Singapore là 5/1.000 (17.000 ca mắc); Nhật Bản: 3/1.000 dân (317.000 ca mắc)”.
Ông Bình cho biết thêm, ngày 19/11, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch TCM tại TPHCM. Ngoài đại diện các sở y tế, dự kiến sẽ có sự tham gia của 19 phó chủ tịch UBND các tỉnh thành đang là “điểm nóng” - có số mắc TCM từ 1.500 trường hợp trở lên.
Theo Thanh Tùng, Liên Châu
Thanh Niên