Vừa qua, cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đã có công văn gửi bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học và phối hợp tổ chức huấn luyện cho nhân viên, giáo viên các trường cách phòng chống dịch bệnh. Thông tin này cũng không giúp phụ huynh bớt âu lo.
Kiểm tra y tế cho học sinh đầu năm học mới.Ảnh: TL SGTT
Một chị bạn của tôi kể chị từng chứng kiến tại một trường tiểu học ở quận ven thành phố, khi một học sinh bị té chảy máu đã được nhân viên y tế của trường hướng dẫn ra vòi nước gần đó rửa sạch vết thương và để vết thương hết chảy máu (?!) rồi quay lại cho cô này băng bó. Chị bạn băn khoăn không biết cách xử lý này có ổn không, khi mà tại khu vực này sử dụng nước giếng khoan, có khi rửa sẽ làm nhiễm trùng vết thương. Chị nói thêm: “Trường hợp này, thường người ta sát trùng bằng nước oxy già hoặc thuốc tím, nếu có rửa sạch đất cát cũng nên dùng nước đóng bình… ”.
Cô Hữu Phước, từng là một nhân viên phòng học vụ kiêm nhân viên y tế một trường dân lập cấp 2 – 3 tâm sự việc kiêm nhiệm của cô như là biện pháp “chữa cháy” của nhà trường. Công việc của cô chủ yếu là hỏi han, đoán bệnh, nếu nhắm không nặng thì xức dầu, dán salonpas… còn thấy nặng thì đưa học sinh vào trạm xá, bệnh viện. Việc kiêm nhiệm như cô Phước là khá phổ biến ở nhiều trường học. Một giáo viên tại trường THPT ở quận Tân Phú, TP.HCM bảo hơn mười mấy năm dạy học qua khá nhiều trường, bao gồm cả một số trường thỉnh giảng, cô nhận thấy phòng y tế của các trường nói chung chủ yếu là nơi cho các em nằm nghỉ, phát các thuốc thông thường để giảm triệu chứng tức thời, thỉnh thoảng tổ chức các buổi nói chuyện về vệ sinh thân thể, giữ gìn răng miệng… Vì số lượng học sinh quá đông, cộng thêm cả giáo viên lẫn nhân viên nhà trường, nhân viên y tế của trường khó lòng theo sát tình hình sức khoẻ học sinh. Trong khi, đối với những trường hợp bị tai nạn hay bệnh diễn biến nhanh… thì việc sơ cứu, xử lý ban đầu rất cần thiết.
Ngày nay, thời gian ở trường chiếm phần lớn quỹ thời gian của học sinh, bên cạnh giờ chính khoá còn học thêm, phụ đạo, ngoại khoá… Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người… Do đó, ngành giáo dục cần chú trọng đầu tư nguồn nhân lực đã qua đào tạo chuyên ngành y tế để phân bổ về các trường.
Theo SGTT