Nếu hai vợ chồng quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng các biện pháp tránh thai trên 6 tháng mà không “đậu thai” thì rất có thể một trong hai người hoặc cả hai người có vấn đề về sinh sản.
Và thông thường, người phụ nữ vẫn bị đổ lỗi nhiều nhất, song trên thực tế, đối với sự việc này, người đàn ông phải chia sẻ trách nhiệm, thậm chí họ có nguy cơ vô sinh – hiếm muộn cao hơn cả nữ giới. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết nam giới có khả năng mắc chứng bệnh nói trên?
Dấu hiệu tại bộ phận sinh dục
Giống như chị em phụ nữ, thông thường, vô sinh - hiếm muộn ở “cánh mày râu” cũng xuất phát từ những dấu hiệu ở bộ phận sinh dục mà tiêu biểu là tinh trùng bên trong và dương vật bên ngoài.
Những dấu hiệu ấy có thể trực tiếp báo hiệu chứng bệnh này hoặc dẫn đến nhiều bệnh khác gây nên vô sinh – hiếm muộn ở nam giới. Cụ thể là:
- Có tổn thương không đau ở thân hay đầu dương vật: đây rất dễ là những u sùi, giang mai hay một hình thái của ung thư.
- Sưng đau ở bìu: có thể do viêm mào tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn.
- Tiết dịch màu vàng nhạt hay hơi xanh ở đầu dương vật: là dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục hay nhiễm khuẩn niêm mạc quy đầu, viêm niệu đạo.
- Đi tiểu có cảm giác nóng rát: triệu chứng viêm bàng quang hay niêm mạc niệu đạo, viêm niệu đạo.
- Toàn bộ quy đầu đau và sưng: có thể do nhiễm khuẩn quy đầu.
- Tinh dịch có lẫn máu hoặc đau khi xuất tinh: khả năng bị viêm tiền liệt tuyến, viêm hay nhiễm khuẩn túi tinh.
- Khi giao hợp có cảm giác đau: xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dị ứng với phương tiện tránh thai (thuốc diệt tinh trùng, màng ngăn...), viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn hay âm đạo khô.
- Đau nhiều ở tinh hoàn mà không do chấn thương: có thể do viêm mào tinh hoàn thể nặng hoặc xoắn tinh hoàn, khiến bộ phận này không có máu đến nuôi dưỡng.
- Đau nhẹ quanh tinh hoàn: dễ mắc viêm mào tinh hoàn thể nhẹ.
- Một tinh hoàn có cục nhỏ, rắn, không đau: nên đề phòng ung thư tinh hoàn hoặc một tổn thương lành tính ở đường dẫn tinh.
- Bìu sưng to và mềm ở một hay cả hai bên: có thể do giãn tĩnh mạch ở bìu.
- Bìu to tròn, căng như quả bong, có nước ở tinh mạc: nếu có một nang nhỏ thì có thể là do viêm mào tinh hoàn.
- Sưng to nhưng mềm ở phía trên tinh hoàn và càng to hơn khi hoạt động, khi nâng vác vật nặng hay khi ho: có thể là thoát vị bẹn, do có một quai ruột chui vào bìu.
- Không có tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng di động yếu, tinh trùng bị dị dạng.
- Bị bất lực, suy tuyến sinh dục nam (là trường hợp mà tinh hoàn không phát triển bình thường), xuất tinh sớm hay xuất tinh ngược dòng (tinh dịch không được phóng ra ngoài, mà chảy ngược vào bàng quang, sau đó được đi tiểu ra ngoài).
- Do yếu tố di truyền làm suy yếu khả năng sản xuất tinh dịch như hội chứng down.
- Tinh hoàn xoắn (là trường hợp mà máu cung cấp cho tinh hoàn bị chặn lại) hay tinh hoàn không nằm đúng vị trí (đây là trường hợp mà tinh hoàn không nằm trong bìu).
- Nguyên nhân tâm lý có thể gây nên các vấn đề về cương dương và xuất tinh.
Tất cả những dấu hiệu trên đều dễ biến thành nguy cơ khiến bạn mắc chứng vô sinh - hiếm muộn.
Dấu hiệu tại các bộ phận khác trên cơ thể
Một “kênh” dấu hiệu không thể thiếu cho bạn biết mình có thể bị vô sinh – hiếm muộn chính là những biểu hiện ở các bộ phận khác trên cơ thể bạn, chẳng hạn như thường xuyên rụng tóc, béo bụng và vùng quanh bụng tăng cân nhanh; da khô và nhăn nheo; suy giảm sinh lực ở các mức độ riêng biệt (nhất là thiếu ham muốn và sức sống trong “chuyện ấy”); stress trầm trọng, tinh thần khủng hoảng hay luôn có cảm giác lo lắng không yên; gặp các vấn đề về cương cứng của dương vật; ra nhiều mồ hôi và xuất hiện nhiều nốt đỏ nóng ran; chuyển động thiếu linh hoạt…
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác nữa cũng báo hiệu chứng vô sinh – hiếm muộn ở nam giới, đó là trường hợp bạn đang mắc bệnh gan, bệnh thận, thiếu tế bào máu hình lưỡi liềm, các bệnh ở cơ quan sinh dục (như giang mai, lậu, sùi mào gà hay mụn dộp…), nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản như viêm tuyến tiền liệt hay viêm mào tinh hoàn, các bệnh truyền nhiễm, bệnh quai bị, bệnh do ảnh hưởng của môi trường và hoàn cảnh sinh sống…