Ngành y tế lúng túng trước dịch tay chân miệng?

lananh |

Hiện nay, cả nước đã có trên 90.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 153 trẻ tử vong.

Dịch căng như dây đàn

Từ khi dịch bệnh tay chân miệng xuất hiện, công tác tuyên truyền đã bắt đầu họat động mạnh nhưng thời gian đầu chưa đi trúng đích khiến người dân hiểu không đúng về dịch, dẫn đến việc phòng dịch sai.

Đây là cơ hội khiến dịch lây lan mạnh trong cộng đồng ở tất cả các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam.

Dịch tay chân miệng đã căng thẳng từ đầu năm đến nay. Ảnh: VietnamNet.

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều người dân hoang mang mỗi khi thấy con sốt, mình nổi nốt ban đỏ mọng nước nên cũng đưa vào viện để khám. Điều này đã khiến tình trạng quá tải (vốn đang diễn ra) trở nên trầm trọng hơn ở các bệnh viện tuyến cuối.

Tính đến thời điểm này, dịch tay chân miệng vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hiện nay, mỗi tuần cả nước có thêm khoảng gần 20 ca mắc mới và thêm một số trường hợp tử vong. Dịch vẫn đang ở đỉnh, dự kiến sẽ còn căng thẳng đến hết tháng 11.

Lùng nhùng chuyện công bố dịch

Quảng Ngãi là địa phương có dịch căng thẳng nhất miền Trung với số mắc và tử vong bằng 2/3 tổng số mắc và tử vong của cả miền Trung.

Tuy nhiên, khi viện Paster Nha Trang đề nghị tỉnh Quảng Ngãi công bố dịch tay chân miệng vì chỉ tính riêng tại tỉnh này đã có tới 6.000 ca mắc và 5 ca tử vong thì lãnh đạo Sở Y tế tỉnh khẳng định “dịch vẫn trong tầm kiểm soát”.

Lý giải chuyện không công bố dịch, Lãnh đạo ngành y tế cho biết thẩm quyền công bố dịch tay chân miệng thuộc về Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Bộ y tế chỉ công bố dịch khi đã có từ 2 địa phương trở lên công bố dịch.

Vì chưa có đủ số địa phương công bố dịch nên Bộ Y tế không thể vượt quyền để công bố dịch trước.

Sau cùng, Ninh Thuận đột ngột công bố dịch trước sự ngỡ ngàng của dư luận. Bởi tại thời điểm công bố dịch, Ninh Thuận chưa khi nào được nhắc đến như một điểm nóng về dịch bệnh này.

Lý giải lý do công bố dịch, lãnh đạo Sở Y tế Ninh Thuận cho biết họ muốn huy động nguồn lực từ nhiều phía để dập dịch, tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Những yếu kém trong công tác phòng, dập dịch

Bệnh tay chân miệng không phải bệnh mới (đã xuất hiện tại Việt Nam từ vài năm), virus không biến đổi, tác nhân gây bệnh rõ ràng… nhưng kết quả là đã có 153 trẻ tử vong.

Những diễn biến suốt mấy tháng qua cho thấy phần nào ngành y tế đã lúng túng trước việc xử lý dịch sao cho hiệu quả.

Đối với dịch tay chân miệng, Bộ Y tế xác định truyền thông phải đi trước một bước. Truyền thông phải cụ thể, tỉ mỉ, ngắn gọn, dễ hiểu và mang tính cầm tay chỉ việc. Nhưng thực tế là ở nhiều địa phương, các tỉnh không đầu tư gì cho công tác truyền thông về dịch, hoặc nếu có thì không đến nơi đến chốn.

Trước thực tế này, dù dịch đã xảy ra rồi, Bộ Y tế đã quyết định thay đổi nội dung truyền thông. Ngày 18/8, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế (Bộ Y tế) cho biết công tác truyền thông về dịch tay chân miệng sẽ được thay đổi để sát hơn với tình hình thực tế.

Cụ thể là làm các thông điệp, tờ rơi hướng dẫn phòng bệnh tay chân miệng gần hơn với người dân thay vì cách truyền thông chung chung, hô hào như trước đây. Tại các bản tin, tờ rơi sẽ hướng dẫn cụ thể cũng như tư vấn cho người dân về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng bệnh.

Bộ trưởng Tiến cũng chỉ đạo cần tuyên truyền về cách giữ gìn bàn tay sạch như trường xuyên rửa tay cho trẻ, người chăm sóc trẻ để người dân hiểu để tự giác và tích cực hưởng ứng, thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Việc tuyên truyền phải đến được từng tổ dân phố, hộ gia đình trong cộng đồng.

Không chỉ yếu kém trong công tác tuyên truyền, phòng chống dịch, công tác điều trị bệnh cũng có “vấn đề”.

Thông tin từ cuộc tập huấn cho các bác sĩ khu vực phía Bắc về điều trị bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, do Bộ Y tế tổ chức ngày 18 và 19/10 tại Hà Nội cho thấy: còn nhiều lúng túng trong điều trị ở bệnh viện tuyến dưới.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính, giảng viên của khóa tập huấn, cho rằng điểm nguy hiểm ở bệnh tay chân miệng là dễ dẫn đến biến chứng viêm cơ tim, phù phổi, đây là biến chứng ít biết của bệnh và bệnh viện tuyến dưới thấy bệnh nặng lại chuyển lên tuyến trên.

Nhưng nguyên tắc điều trị các trường hợp này là tránh thay đổi tư thế của bệnh nhân do có thể ngừng tim đột ngột, dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cũng là giảng viên trong khóa tập huấn này, cho biết năm 2003, khi những trường hợp tay chân miệng đầu tiên được chẩn đoán, có bệnh nhân vào viện để khám buổi sáng thì buổi chiều đã tử vong.

Theo bác sĩ Tiến, bệnh nhân tay chân miệng có thể có những dấu hiệu như suy hô hấp, thở gấp từng cơn hay thở khò khè, dễ bị chẩn đoán nhầm sang viêm phổi, viêm thanh quản, hen suyễn, nếu các nốt hồng ban chưa xuất hiện rõ.

Tranh cãi về nước Ozon

Những ngày giữa tháng 11 vừa qua, dư luận cả nước lại nóng lên chuyện TS Nguyễn Văn Khải (ông già Ozon) tự nguyện vào Ninh Thuận dập dịch, chữa cho trẻ mắc tay chân miệng bằng nước Ozon.

Còn nhiều yếu kém, lúng túng trong công tác phòng chống, dập dịch (Trong ảnh là bệnh nhi tay chân miệng ở Ninh Thuận – tỉnh đầu tiên công bố dịch). Ảnh: VietnamNet

Phương pháp chữa bệnh này làm thuyên giảm các dấu hiệu ngứa, mẩn ngoài da nhưng ngành y tế cho biết phương pháp trên chưa được kiểm chứng khoa học nên đã đề nghị TS Khải dừng chữa trị theo cách của mình.

Lúc này đã có một cuộc tranh cãi nổ ra về việc có nên để “ông già Ozon” chữa tiếp hay không.

Tính đến nay, Bộ Y tế đã bày tỏ quan điểm rõ ràng về phương thức chữa bệnh của TS Khải, đó là không cho phép áp dụng bởi nước Ozon không có khả năng chữa trị bệnh tay chân miệng.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã thị sát tình dịch tại Ninh Thuận và tập trung chỉ đạo nâng cao công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực nhằm dập dịch, điều trị bệnh nhân.

Theo VietNamNet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại