Tăng cân đồng nghĩa với tăng rủi ro bị bệnh
Phụ nữ sau thời kì mãn kinh là nhóm tuổi dễ bị ung thư vú nhất và tăng cân cũng có ảnh hưởng đến bệnh này. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã kết luận rằng, những phụ nữ bị béo phì sau khi sinh đẻ có nguy cơ bị ung thư vú gấp 3,2 lần so với những người có cân nặng bình thường. Các nhà nghiên cứu đã công nhận tăng cân là một trong những nguyên nhân gây bệnh cùng với các lí do khác như: tuổi tác, tiền sử gia đình, tuổi mãn kinh…
Colleen Doyle, giám đốc Hiệp hội Ung thư Hoa Kì cho biết trong số những người khỏi bệnh ung thư vú, các nhà nghiên cứu đã tìm ra được mối liên hệ giữa trọng lượng dư thừa với nguy cơ tái phát và khả năng bị tử vong. Một nghiên cứu đã cho thấy một chế độ ăn ít chất béo có thể làm giảm nguy cơ tái phát bệnh ung thư vú và những người tham gia nghiên cứu cũng giảm cân.
Ảnh hưởng từ việc ăn đậu nành
Đậu nành có hàm lượng protein cao và ít chất béo nên nó có vị trí quan trọng trong một chế độ ăn kiểm soát trọng lượng. Tuy nhiên những thực phẩm từ đậu nành không giúp giảm thiểu nguy cơ bị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng.
Đậu nành có chứa rất ít estrogen thực vật. Từ đó mà các nhà nghiên cứu đưa ra câu hỏi liệu các thực phẩm từ đậu nành có cung cấp hormone có liên quan đến ung thư vú như estrogen hay không? Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng những người đã khỏi bệnh ung thư vú vẫn ăn được đậu nành với nhiều nhất là ba sản phẩm từ đậu nành mỗi ngày.
Rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt ở những người phụ nữ có hàm lượng folate (một dạng vitamin B tan trong nước có trong rau xanh và các loại hạt đậu) thấp. Hiện nay, Hiệp hội Ung thư Hoa Kì vẫn khuyến cáo phụ nữ không nên uống quá một ly rượu mỗi ngày nhưng Doyle cho rằng thậm chí hai ly mỗi tuần cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú.
Thông điệp dành cho phụ nữ trên các thông tin đại chúng về phòng chống rượu và bệnh ung thư vú là đặc biệt quan trọng để họ có thể suy nghĩ trước khi uống một loại thức uống nào đó.
Theo Afamily