Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư Dieter Wolke (trường đại học Warwich, Anh Quốc) trên 8.829 trẻ em có mẹ bị stress khi mang bầu cho thấy rằng: những trẻ này dễ bị bắt nạt khi đến tuổi tới trường. Phản ứng của những đứa trẻ này khi bị bắt nạt thường là khóc, bỏ chạy hoặc cảm thấy sợ hãi, bất an.
Giáo sư D.Wolke cho hay: Khi chúng ta bị stress, một lượng lớn hocmone thần kinh được giải phóng vào hệ thống các mạch máu và ở phụ nữ đang mang thai, số này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển hệ thống phản ứng căng thẳng của thai nhi.
Đây là nghiên cứu đầu tiên về những căng thẳng của bà mẹ trong thời kì mang thai và sự tổn thương của đứa con khi bị bắt nạt.
Những thay đổi trong hệ thống phản ứng căng thẳng của bào thai có thể ảnh hưởng tới cách cư xử của đứa trẻ và cách đứa trẻ có những phản ứng về tâm trạng khi bị bắt nạt.
Chúng thường rất dễ khóc, bỏ chạy hoặc cảm thấy sợ hãi khi bị bạn bè bắt nạt.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra các yêu tố gây căng thẳng trong thai kì của bà mẹ như những vấn đề của gia đình, khó khăn về tài chính, sự lạm dụng chất gây nghiện như chất có cồn, thuốc phiện, sức khỏe tâm lý bà mẹ hoặc tồi tệ hơn là tình trạng bạo lực gia đình. Tất cả những điều này ảnh hưởng tới cách những đứa trẻ này phản ứng khi bị bắt nạt trong cuộc sống sau này. Khi bà mẹ bị căng thẳng cao độ, điều này ảnh hưởng rất xấu tới đứa bé vì nó có liên quan trực tiếp tới những căn bệnh về thần kinh hoặc những vấn đề trong cách cư xử của chúng trong cuộc sống.