Mầm bệnh từ thịt “siêu nạc”, “đỏ tươi”

lananh |

Không ít vật nuôi đang được "tẩm bổ" bằng các chất độc để tạo ra thịt siêu nạc hay thịt đỏ tươi, mà người tiêu dùng rất khó nhận ra.

Chưa hết, cứ 10 mẫu thịt gia súc gia cầm bán trên thị trường hiện nay thì có đến 6 mẫu nhiễm khuẩn gây kiết lỵ, tiêu chảy...

Cơ quan chức năng vừa phát hiện việc lạm dụng các hoóc môn kích thích tăng trưởng như Sallbutamol, Clenbuterol... trộn vào trong thức ăn chăn nuôi. Đây đều là những chất bị cấm sử dụng vì nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ con người.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công Nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, chất Clenbuterol đã bị cấm sử dụng vì tính nguy hại của nó. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, loại chất này dễ mua, giá rẻ nên người chăn nuôi đã trộn vào thức ăn cho lợn.

Hoá chất này thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng vì thế lợn rất nạc, màu sắc thịt tươi ngon.

Việc ăn phải thịt lợn chứa chất kích thích tăng trọng về lâu dài cơ thể sẽ bị tích tụ chất tăng trọng, dễ dẫn gây rối loạn chuyển hóa: tăng cân, béo phì, mất sức đề kháng, xương bị xốp rất nguy hiểm. Chất Clenbuterol thường tập trung nhiều ở các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận, phổi ...

Bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó phân biệt được hai loại thịt lợn này. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ có thể thấy, loại thịt lợn “bẩn” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao,mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, trơn láng, độ săn chắc kém, ít mỡ, nạc sát da. Tại bắp vai, đùi cho thấy lượng thịt phát triển bất thường, thịt u lên, màu đỏ au giống màu đỏ của thịt bò.

Không chỉ sử dụng các hóa chất để thịt thành "siêu nạc", mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp) còn phát hiện việc lạm dụng chất Ethephon hay còn gọi "thúc chín tố" để bảo quản thịt tại Thanh Hoá và một số tỉnh thành khác.

Tiến sĩ Phan Thanh Tâm, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện công nghệ sinh học- công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết, hóa chất Ethephon thúc đẩy quá trình tươi hóa, làm màu đỏ hồng (màu vô cơ) tươi lên.

Bình thường nếu thịt lợn để ngoài môi trường 2-3 tiếng, không sử dụng hóa chất bảo quản gì thì màu đỏ hồng sẽ chuyển sang màu sậm hơn, như màu đỏ nâu nhạt.

"Vì thế chị em khi đi chợ nên tránh những sản phẩm thịt có màu quá đỏ tươi", tiến sĩ Tâm nhấn mạnh.

Theo Phương Trang

VnExpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại