Hội chứng nói 'giọng lạ' sau biến cố

havan |

Lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận một phụ nữ ở Quảng Bình sau tai nạn giao thông lại nói giọng Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Thảo (46 tuổi), trú ở thôn 1 xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Ngày 25/7, bị một xe máy đâm phải, chị Thảo bị ngã đập đầu xuống đường, ngất gần 4 tiếng và được đưa vào bệnh viện điều trị. Sau 3 ngày nằm mê man bất tỉnh, chị tỉnh dậy và nói giọng Bắc trong khi bao năm qua chị chỉ nói đặc sệt giọng Nghĩa Ninh, Quảng Bình bản địa.

Chẳng hạn, chị không còn gọi cái chén (dùng ăn cơm, theo cách gọi của người Quảng Bình) như trước mà nói cái bát (theo cách gọi của người Bắc). Tiếng kêu “trời ơi” thì nay chị nói “giời ơi”, hay các từ thường dùng ở địa phương như răng rứa, đi mô về... thì chị chuyển sang thành sao vậy, đi đâu về... Trong khi đó, chị sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, nói giọng Quảng Bình.

hoi-chung-noi-giong-la-sau-bien-co

Chị Thảo. Ảnh: Long Nhật.

Năm 2008, tại Canada cũng ghi nhận một người phụ nữ tên là Rosemary sống ở phía nam Ontario bị đổi giọng sau cơn đột quỵ. Gia đình nhận thấy sự thay đổi trong giọng nói của bà hai năm sau khi bà qua khỏi cơn nguy kịch.

Điểm khác biệt là trong khi hầu hết các trường hợp mắc hội chứng giọng lạ (FAS), người bệnh nói bằng một giọng "nước ngoài" mới, thì Rosemary lại phát âm như giọng Anh Canada ở vùng Maritime. Chẳng hạn, bà nói một vài từ theo cách khác với trước khi đột quỵ, như từ "dat" thay cho "that", từ "tink" thay cho "think". Bà cũng phát âm "greasy" thành "gracey," và "dog" gần giống từ "rogue."

Thế nhưng, bà lại chưa bao giờ đến thăm vùng đất Maritime hay tiếp xúc với ai có giọng ở vùng bờ Đông. Gia đình bà gốc Ireland và Đan Mạch, cha mẹ bà cũng chưa hề sống ở nơi nào khác ngoài vùng nam Ontario.

Các chuyên gia cho biết sự thay đổi trong giọng nói này là do các hư hại thần kinh trong một vài phần của não bộ.

Tại Anh, vào năm 2010 cũng ghi nhận một người bị thay đổi giọng nói sau 20 năm sống chung với chứng đau nửa đầu.

hoi-chung-noi-giong-la-sau-bien-co

Bà Kay Russell nói giọng nước ngoài sau 20 năm bị chứng đau nửa đầu. Ảnh: Swns.

Bà Kay Russell, 49 tuổi cho biết, tối hôm đó bà đi ngủ sớm vì cơn đau đầu dữ dội. Đến sáng hôm sau khi thức dậy thì không ai trong gia đình có thể nhận ra tiếng của bà vì bà nói bằng giọng Pháp. Giọng nói không trong, có cảm giác ngèn nghẹt, âm hưởng giọng nói không có độ vang. Bình thường, những cơn đau nửa đầu có thể khiến bạn bị ói, nhạy cảm với ánh sáng hoặc trong một vài trường hợp thì tạm thời bị tê liệt chân tay.

Không những thế, cách viết của bà cũng thay đổi, viết đúng như cách phát âm. Chẳng hạn, bà nói từ "peoples" chứ không phải "people" (mọi người) và bà cũng viết thành "peoples".

Theo Metro, bà Russell chỉ là một trong số 60 người trên thế giới bị hội chứng nói giọng nước ngoài (FAS) do tổn thương phần não kiểm soát lời nói và từ ngữ do đột quỵ hoặc chấn thương. Các nguyên nhân khác cũng đã được báo cáo bao gồm cả bệnh đa xơ cứng - một chứng rối loạn não bộ, tủy sống và rối loạn chuyển dạng - chuyển từ. Trong một số trường hợp thì lại không xác định được nguyên nhân.

Đây là một căn bệnh phức tạp khiến giọng nói bị thay đổi về ngữ điệu và trọng âm, chỉ ảnh hưởng đến một số rất ít bệnh nhân. Hội chứng khiến cho người bệnh nói thứ ngôn ngữ bản địa theo cách như người nước ngoài đang nói. Chẳng hạn, một người bản địa châu Mỹ có thể nói bằng giọng mang ngữ âm kiểu Pháp.

Những người mắc hội chứng này được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm thay đổi giọng từ Nhật sang Hàn Quốc, tiếng Anh sang Anh - Pháp, Mỹ sang Anh và Tây Ban Nha sang Hungary... Sự thay đổi giọng nói này có thể kéo dài vài ngày, vài tuần, vài tháng, vài năm hoặc là mãi mãi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại