Chia sẻ với PV, thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm – Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng bất thường tại Hà Nội. Số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết liên tục tăng cao trong tháng 10 và tháng 11 và rất có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng…”
Cũng theo bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị trong tháng 10 và tháng 11 đã tăng cao gấp đôi so với tháng 9. Nếu tháng 9 là 100% thì tháng 10 và tháng 11 là 200 – 250%. Cụ thể, tháng 9, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận và điều trị cho 6-7 bệnh nhân nhưng trong tháng 10 và đầu tháng 11, số ca bệnh tăng lên đến 20 bệnh nhân, thời kì cao điểm là hơn 30 bệnh nhân ở các thể nặng nhẹ khác nhau.
Số bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết đang tăng cao trong tháng 10 và tháng 11 (Ảnh Thu Lê)
“Hầu hết các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết điển hình. Tuy nhiên, các ca nặng có dấu hiệu cảnh bảo chiếm tỉ lệ thấp, đa phần là sốt xuất huyết đanh. Bệnh nhân chỉ có những dấu hiệu của sốt xuất huyết như chảy máu dưới da, niêm mạc nhưng không sốc, không chảy máu dữ dội. Bệnh nhân nhập viện được truyền dịch, truyền tiểu cầu đúng pháp đồ đều khỏi hoàn toàn. Tính đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp bệnh nhân nào tử vong…”, bác sỹ Lâm nói.
Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Lâm, nguyên nhân chính của bệnh sốt xuất huyết là do virus sốt xuất huyết gây nên. Có 4 tuýp virus đanh là: đanh 1, đanh 2, đanh 3 và đanh 4. Ở Việt Nam thì chủ yếu là virus đanh 1 và đanh 2 trong đó virus đanh 2 là chủ đạo.
Sốt xuất hiện không để lại di chứng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì rất nguy hiểm… (Ảnh Thu Lê)
Cách nhận biết và phát hiện bệnh sớm là xác định xem bệnh nhân có đang sống trong vùng dịch. Thời điểm đó có phải là mùa sốt xuất huyết không. Bên cạnh đó cần chú ý đến các dấu hiệu nhiễm virus như: sốt cao đột ngột, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau mỏi toàn thân, đau nhức cơ khớp, tụ huyết dưới da, chảy máu, chảy máu răng, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu, đi ngoài ra máu,…
“Phải làm tốt công tác dự phòng, phòng bệnh hơn chống bệnh. Hiện tại chưa có vacxin đặc hiệu nên chủ yếu dự phòng bằng cách dùng màn khi nằm ngủ, sử dụng hương muỗi, thoa các loại kem chống muỗi lên da, loại bỏ toàn bộ những điều kiện để muỗi phát triển, các dụng cụ chứa nước phải thả cá, phun thuốc trong vùng dịch, không vứt bữa bãi các dụng cụ, đồ chứa nước để muối có thể sinh sản…
Sốt xuất hiện không để lại di chứng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì rất nguy hiểm…”, bác sỹ Lâm khuyến cáo.