Giảm dần thính lực là một quá trình âm thầm nhưng đang gia tăng trong cuộc sống sôi động hiện nay. Nếu nhận ra mình bắt đầu nghe kém từ việc phải “cố” nghe được những âm thanh tự nhiên nhất, đã đến lúc cần đi kiểm tra.
Vặn tiếng tivi quá cỡ. Khi mất thính lực, người ta có xu hướng vặn to âm lượng tivi, đài… để có thể nghe thấy. Trong khi đó, các thành viên gia đình và hàng xóm nhức đầu vì những âm thanh chói tai.
Gặp vấn đề nghe điện thoại. Vì không biết, những người giảm thính lực bắt đầu đọc môi và dựa vào ký hiệu không lời nhưng họ sẽ gặp khó khăn vì nói chuyện điện thoại thì không thể đoán mò qua khẩu hình.
Ù tai. Dù không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của nghe kém, ù tai vẫn cần kiểm tra vì đây là một dấu hiệu đầu tiên biểu thị tai “có vấn đề”.
Rắc rối với âm thanh nền. Người có khả năng nghe kém rất ngại tham gia hội họp ở nhà hàng, quán bar bởi khi đó âm thanh tại các khu vực này thường bị bóp méo, tước hết niềm vui được tụ họp.
Hiểu sai hay thường xuyên hỏi lại. Nếu bỏ lỡ điều gì không nghe thấy, tâm trí của bạn sẽ cố kết nối khoảng trống đó hoặc yêu cầu nhắc lại. Điều này tái diễn một vài lần có thể khiến người nghe khó chịu hoặc gây lúng túng cho cả phía người nghễnh ngãng lẫn người nói chuyện.
Tránh tương tác xã hội. Những người bị mất thính giác thường có xu hướng rút vào thế giới cô lập để họ không phải đối mặt với sự bối rối do khả năng giao tiếp kém hiệu quả. Đặc biệt là họ tránh nói chuyện với những người nói quá nhỏ hay trẻ em lí nhí trong miệng.
Theo An Ninh Thủ Đô