Tiến sĩ Samuli Helle và các cộng sự thuộc trường đại học Turku (Phần Lan) đã nghiên cứu thời gian sống sau thời kỳ sinh đẻ của 11.000 bà mẹ sinh ra trong thời gian từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thử 20 tại 8 xứ đạo khác nhau ở Phần Lan. Thời kỳ này chưa có các phương pháp tránh thai hiện đại hay dịch vụ chăm sóc y tế.
Kết quả, tiến sĩ Samuli Helle phát hiện thấy rằng, những bà mẹ sinh 6 người con trai sống trung bình thêm 32,4 năm sau khi sinh đứa con cuối cùng, trong khi, những phụ nữ chỉ sinh con gái sống thêm khoảng 33,1 năm sau lần đẻ cuối cùng.
Sinh nhiều con trai làm giảm tuổi thọ bà mẹ.
“Nghiên cứu cho thấy những bà mẹ càng sinh nhiều con trai càng giảm tuổi thọ sau thời kỳ sinh sản. Xét về mặt sinh học, người mẹ mất nhiều sinh lực hơn khi mang thai bé trai. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ của mẹ sinh nhiều con trai ngắn hơn”, tiến sĩ Samuli Helle giải thích.
Một giả thuyết khác được đưa ra là khi phụ nữ mang thai bé trai, họ cần nhiều testosterone hơn. Điều này làm giảm hệ miễn dịch của các bà mẹ. Ngoài ra, các thai nhi nam cũng phát triển nhanh hơn trong bụng mẹ và thường có trọng lượng nặng hơn các bé gái, gây nhiều sức ép hơn lên cơ thể người mẹ.
Bên cạnh yếu tố sinh học, tiến sĩ Samuli cho biết những yếu tố xã hội và văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Ví dụ, những bà mẹ sinh nhiều con gái thường được con chăm sóc nhiều hơn khi về già.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Turku cũng phát hiện thấy rằng giới tính của con không ảnh hưởng tới tuổi thọ của người cha.