Nâng tổng số ca mắc lên gần 60.000 trường hợp, trong đó có 111 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng số ca mắc và tử vong, dư luận không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi, Bộ Y tế dường như “bó tay”, không thể kiểm soát được căn bệnh nguy hiểm này? Hiện cũng chưa có động thái gì cho thấy Bộ này sẽ công bố dịch TCM trên phạm vi toàn quốc.
Thêm hàng nghìn ca mắc và tử vong
Số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, chỉ trong 7 ngày từ 16 - 22/9/2011, cả nước đã ghi nhận thêm 4.734 ca mắc, 2 ca tử vong từ 52.321 ca mắc và 109 ca tử vong tại 22 tỉnh thành lên 57.055 trường hợp mắc và 111 ca tử vong tại 24 tỉnh thành.
Trẻ mắc bệnh TCM. Ảnh minh họa
Các tỉnh có số mắc TCM cao trong tuần vẫn liên tiếp ở ngưỡng từ 100 đến trên 200 ca mắc mới/tuần. Các trường hợp mắc và tử vong do TCM tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm 69,8% số mắc và 89,2% số tử vong của cả nước. Điển hình là: Quảng Ngãi (232 ca), TPHCM (225 ca), Đồng Tháp (165 ca), Hòa Bình (142 ca), Đồng Nai (215 ca), Bến Tre (111 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (110 ca), Sóc Trăng (107 ca), Đắk Lắk (107 ca) và Khánh Hoà (105 ca)….
Đáng chú ý là tại Hà Nội đã có trường hợp bệnh nhi mắc TCM tử vong ngày 20/9 vừa qua. Bệnh nhi nữ 3 tuổi có địa chỉ tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình khởi bệnh ngày 16/9 với triệu chứng mệt mỏi, nôn, sốt nên được đưa đến khám tại BV Xanh Pôn.Các bác sĩ đã chẩn đoán theo dõi sốt virus và cho điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau 17/9 trẻ không hết sốt, xuất hiện nốt ban đỏ dạng chấm ở bàn tay nên được gia đình đưa đến khám và nhập viện tại BV Nhi T.Ư.
Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy kết quả dương tính với EV71. Đến ngày 20/9, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán bệnh TCM.
Ngay sau đó, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành điều tra dịch tễ tuy nhiên vẫn chưa xác định được rõ nguồn lây, tiến hành lấy 12 mẫu bệnh phẩm ngoáy họng của 10 người nhà bệnh nhân, cô giáo nơi bệnh nhân theo học gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư làm xét nghiệm nhưng cũng chưa có kết quả.
Dịch sẽ tiếp tục lan rộng?
Mặc dù Cục Y tế dự phòng cho rằng, tại miền Bắc đã không để xảy ra ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ nhưng hiện cũng đã có 26/28 tỉnh thành, 206/300 quận huyện và 1.496/4.751 xã ghi nhận bệnh nhân mắc TCM, tập trung chủ yếu tại Thanh Hóa với 2.132 trường hợp mắc.
4 tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đều ghi nhận bệnh nhân mắc, chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.273 trường hợp mắc, 1 ca tử vong. Riêng các điểm “nóng” như: TPHCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Khánh Hoà và Đà Nẵng… cũng liên tục tăng cao cả số ca mắc và tử vong.
Vệ sinh khử khuẩn đồ chơi của trẻ mầm non
Trong số 1.262 mẫu xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh TCM tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur có tới 700 mẫu dương tính với EV71 là chủng cực độc, dễ gây tử vong và 562 mẫu dương tính với các EV khác.
Ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Dịch TCM ở nước ta có thể gia tăng số mắc, tử vong từ nay đến tháng 11 do chưa có vaccine phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Trong 10 tuần gần đây, số ca mắc tuy không tăng hơn tuần thứ 26 nhưng mức độ giảm rất chậm do chưa có sự thay đổi đáng kể về hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ”.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tại các địa phương chưa được tích cực cũng là nguyên nhân khiến bệnh lây lan nhanh chóng.
Khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống bệnh TCM: 1. Người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi thay tã lót, đi vệ sinh. 2. Người bệnh nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. 3. Các gia đình, trường mầm non, nhà mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 2 lần trong ngày và giữ vệ các khu vực xung quanh. 4. Không nên đưa trẻ đến các khu vực như trường mầm non, nhà mẫu giáo, chăm sóc trẻ nếu các khu vực này đã bị nhiễm bệnh. 5. Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa, bát. 6. Tránh tiếp xúc gần (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng trong nhà) với người đã bị mắc bệnh. 7. Người chăm sóc trẻ theo dõi sát sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời. 8. Các nhà trẻ, mẫu giáo phải có các khu vực rửa tay bằng xà phòng, có khu vực xử lý chất thải theo quy định. |
Lao động