Bệnh thủy đậu vào mùa - diễn biến nguy hiểm

Theo Đất Việt |

Đó là khuyến cáo mới đây của các chuyên gia dịch tễ, bởi từ cuối tháng 12 năm ngoái đến nay đã có hàng trăm ca mắc và 2 ca tử vong.

Người lớn cũng mắc thủy đậu

Theo thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong tháng 12-2012, BV đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 2.500 bệnh nhân và điều trị nội trú cho 333 trường hợp mắc  thủy đậu, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Bệnh nhân tử vong ngày 27-12-2012, là bác sĩ Nguyễn Viết Tuyên (50 tuổi, ở Đồng Tháp) bị suy hô hấp do thủy đậu. Một bệnh nhân khác ở quận Bình Thạnh vào BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ngày 2-1-2013, khi đã có biến chứng viêm não nặng, vô phương cứu chữa. Gia đình xin cho về và bệnh nhân tử vong tại nhà.

Tại các tỉnh miền Bắc, những ngày này BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Khoa Nhi BV Bạch Mai, Khoa Nhi BV Xanh Pôn… đã xuất hiện nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh thủy đậu, rubella, quai bị. BS Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Do thời tiết đông xuân ở miền Bắc rất dễ bùng phát bệnh thủy đậu và sởi.

Hiện BV đã tiếp nhận rải rác nhiều ca bệnh. Khoa Nhi BV Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận và điều trị gần 20 trường hợp. Tại BV Nhi Trung ương, mỗi ngày có hơn 10 trẻ đến khám các căn bệnh này. Phần lớn trẻ vào viện trong tình trạng viêm phổi nặng do bội nhiễm vi khuẩn liên cầu, tụ cầu. Nguyên nhân do trẻ gãi nhiều và không được chăm sóc vệ sinh chu đáo… các nốt phỏng bị bội nhiễm khiến trẻ viêm da nặng, biến chứng viêm cầu thận cấp tính hoặc nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu…

Khoa Nhi BV Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận và điều trị gần 20 trường hợp mắc thủy đậu

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, thuỷ đậu là một bệnh nhẹ, lành tính  nhưng nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Bệnh do virus Varicella zoster gây nên. Nguồn lây duy nhất là người bệnh lây trực tiếp cho nhau và lây lan nhanh qua đường hô hấp.

Tỷ lệ mắc bệnh cao ở các đô thị, nơi đông dân. Trẻ 2 - 7 tuổi là đối tượng mắc nhiều nhất, phần lớn chưa được tiêm phòng thủy đậu…. Điều đáng lo ngại là năm nay đã có người lớn mắc thủy đậu và thường có biến chứng viêm não nặng. Phụ nữ có thai trong nửa đầu của thai kỳ nếu mắc thuỷ đậu thì thai nhi có thể bị dị dạng.

Người lớn và trẻ em cần tiêm phòng

Theo các chuyên gia dịch tễ, hàng năm, thủy đậu thường khởi phát từ tháng 1 đến tháng 5, cao điểm bùng phát dịch vào tháng 2 với số mắc có thể lên đến vài nghìn người. Bệnh thường bùng phát tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp và hay gây thành dịch.

Virus thủy đậu lây lan mạnh qua đường hô hấp, khi tiếp xúc với người bệnh ở những nơi đông người, tiếp xúc với dịch tiết của bóng nước vỡ ra hoặc từ mẹ sang con khi mẹ nhiễm thủy đậu trong thai kỳ. 90% trẻ em mắc bệnh trong giai đoạn 1 đến 10 tuổi có biểu hiện là các ban sần, mụn nước gây khó chịu và ngứa toàn thân kèm theo sốt.

Các ban mọc nhiều ở da đầu, trong các kẽ chân tóc, sau thành nốt phỏng. Nếu không chăm sóc cẩn thận sẽ bị bội nhiễm, các nốt đậu làm mủ, sưng to và rất ngứa khiến người bệnh gãi trầy da, để lại sẹo sâu. Tuy nhiên, khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nhanh. Đến ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6, nốt đậu đóng vẩy. Khoảng 1 tuần bệnh khỏi không để sẹo.

Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, thủy đậu là bệnh có tính lây nhiễm rất cao và trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh, nhất là với trẻ chưa tiêm chủng bằng vaccin. Vì đây là bệnh có khả năng lây lan sớm, độ lây lan cao thì tiêm chủng chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ và cả người lớn tránh khỏi thủy đậu. Tuy nhiên, khi tiêm phòng, cần tiêm 2 liều vaccin cho cả trẻ em và người lớn.

Vaccin có thể áp dụng cho cả trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên, thanh thiếu niên và người lớn chưa nhiễm bệnh. Phụ nữ có thai không nên tiêm phòng vaccin này và chỉ nên có thai 3 tháng sau khi tiêm phòng. Tốt nhất nên tiêm phòng cho trẻ trước mùa bệnh xảy ra, nghĩa là trước tháng 2 hằng năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại