Bệnh nào là cơn đại dịch từ năm 2012?

lananh |

WHO chọn tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với các quốc gia Đông Nam Á từ năm 2012. Cứ 10 người thì mắc một.

Trái với phỏng đoán của nhiều người, kể cả không ít thầy thuốc, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gióng chuông báo động về căn bệnh nguy hiểm nhất cho các quốc gia Đông Nam Á trong thập niên trước mắt lại không đề cập bệnh bội nhiễm nào đó mà nêu đích danh bệnh tiểu đường! Tất nhiên các chuyên gia y tế có cơ sở vững chắc vì nhận định của họ được đúc kết từ thực tế đau lòng của ngành y.

Cứ 10 người thì mắc một

Con số thống kê chính thức về tỉ lệ bệnh tiểu đường chỉ là phần nổi quá cạn của tảng băng chìm quá sâu. Số người mắc bệnh chưa được phát hiện cộng với số người biết bệnh nhưng không chịu tìm thầy, chạy thuốc tối thiểu cũng gấp ba lần số bệnh nhân tiểu đường đang được điều trị.

Con số khoảng 2,5 triệu người bệnh tiểu đường được ước tính ở xứ mình trong năm 2008 là đánh giá quá thấp, nếu so sánh với kết quả thống kê vừa được thực hiện trong năm 2011 qua nhiều đợt tầm soát tiểu đường cho đối tượng ở mọi lứa tuổi. Ở nước ta, không thể có dưới 8 triệu người, nghĩa là tròm trèm 10% dân số đang bị đe dọa vì bệnh tiểu đường!Đáng lo hơn nhiều là bệnh tiểu đường đã từ lâu không còn là bệnh của người cao tuổi. Bệnh cũng không hẳn chỉ xảy ra ở đối tượng lạm dụng chất đường. Trái lại, bệnh càng lúc càng có khuynh hướng gõ cửa người còn trẻ, người bề ngoài coi còn rất khỏe.

14/11, ngày Quốc tế về bệnh tiểu đường

Đáng nói hơn nữa là cho dù với nhiều tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị nhưng tỉ lệ biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường như mù mắt, suy thận, hoại tử đến độ phải đoạn chi… vẫn chỉ tăng chứ không giảm, ngay cả ở các nước có nền y tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Đức, Nhật…

Tại sao lại nghịch lý như thế? Câu trả lời lại không quá phức tạp. Lý do khiến bệnh tiểu đường chiếm thế thượng phong chẳng qua chỉ vì có vay có trả, vì bệnh là sản phẩm của cuộc sống được tiếng văn minh nhưng càng lúc càng xa rời, thậm chí đi ngược với quy luật của thiên nhiên!

Không ăn ngọt cũng bệnh

Mặc dầu không thiếu thuốc hạ đường huyết hoặc chỉ cần chưa tới 20 giây để phát hiện bệnh nhưng căn bệnh này, tuy không lây lan nhưng vẫn phát tán nhanh hơn dịch cảm cúm là vì phần lớn người chưa bệnh và ngay cả nhiều người bệnh, đặc biệt trong bối cảnh “thầy thuốc ít nói” ở xứ mình, chưa được thông tin đúng mức và đúng cách.

Ngoài ra, bệnh này biến thể khó lường ở thế kỷ 21. Mô tả trước đây về bệnh tiểu đường với dấu hiệu “ba nhiều” bao gồm ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều đã không còn chính xác. Hơn phân nửa trường hợp bệnh tiểu đường biểu lộ qua triệu chứng mơ hồ như trầm uất, đau vai, suy nhược sinh dục… khiến thầy thuốc còn bị đánh lừa, huống chi bệnh nhân!

Nhiều người vẫn mang định kiến bệnh tiểu đường là bệnh nan y nên chọn thái độ đà điểu vùi đầu dưới cát, cứ như chưa biết bệnh là không bệnh. Ngày nào bệnh chưa được tầm soát một cách đại trà, ngày nào thầy thuốc chưa chủ động tìm bệnh cho dù bệnh nhân gõ cửa vì lý do khác, ngày đó chưa thể cầm chân bệnh tiểu đường, nói chi đến chuyện đẩy lùi!

Những "biệt kích" dấu mặt

Phía sau bệnh tiểu đường thường là bàn tay phá hoại của bệnh viêm gan không được phát hiện, viêm đại tràng mạn không được điều trị đến nơi đến chốn, của tình trạng lạm dụng thuốc corticoid trong bệnh mạn tính… Không lạ gì nếu càng lúc càng có nhiều người bệnh tiểu đường ở xứ mình vì các vấn đề vừa nêu.

Sau hết, tụy tạng không vô cớ mà kiệt sức trong quá trình điều chỉnh đường huyết trồi sụt quá thường nếu không có đòn “ám tiễn” của các loại nội tiết tố làm tăng đường huyết của tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng và... nếu tuyến yên, tổng hành dinh của hệ nội tiết, đừng ngoảnh mặt làm ngơ. Thế thì các cơ quan này tại sao lại hỗn loạn đến thế? Đáp án chính là STRESS.Bằng chứng là bệnh tiểu đường phát tán rất nhanh ở các quốc gia đứng đầu về GDP vì cuộc sống ở đó tẩm đầy tham sân si, vì nếp sinh hoạt ở các nơi này ngày đêm phải đồng hành với căng thẳng. Đó là nguyên nhân tại sao dù kiêng ngọt đến hết mức vẫn khó tránh bệnh tiểu đường. Đó cũng là lý do tại sao bệnh tiểu đường xứng đáng với danh hiệu “cơn đại dịch của thế kỷ!”.

Biết bệnh không để sợ bệnh. Ra sân chỉ mong thủ huề thì nắm chắc phần thua. Không thể chống bệnh tiểu đường trong vài ngày, càng không nên ngăn chặn căn bệnh khắc nghiệt này vào ngày mai ngày mốt vì hôm nay đã là quá muộn. Giải pháp rõ ràng không thể là viên thuốc đời mới, thầy thuốc chuyên khoa hay trang thiết bị hiện đại bởi nhân tố quyết định cho hiệu quả của liệu pháp chính là tri thức của người bệnh và thân nhân. Trong bệnh tiểu đường, trợ thủ đắc lực cho thầy thuốc chính là người bệnh vì không ai hiểu rõ trăn trở tâm sinh lý của nạn nhân bằng chính bệnh nhân.

Theo BS ơng Lễ Hoàng

Pháp luật TPHCM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại