Chị H.N. (28 tuổi, ngụ xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho biết hơn một năm nay con gái chị tên Đ.K.H. (sinh tháng 2-2009) bỗng dưng vú phát triển và sau đó có máu chảy ra từ âm đạo như chu kỳ kinh nguyệt.
Lo lắng, hai vợ chồng chị N. đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) khám và được cho thuốc uống. Thế nhưng, đến tháng 5 vừa qua, vùng âm đạo của con chị ra một ít máu và ra suốt trong hai ngày như “đến tháng”.
Chị N. tiếp tục đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng 2, lúc này các bác sĩ đưa đi xét nghiệm toàn diện, kết quả não của H. bình thường, tuy nhiên em bị gan nhiễm mỡ, nang buồng trứng trái và tử cung lớn hơn so với trước đó...
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 chẩn đoán H. bị bệnh dậy thì sớm
ngoại biên, đồng thời yêu cầu theo dõi sự phát triển của vú và kinh nguyệt,
cũng như cân nặng, chiều cao.
Tháng 8, bé tiếp tục được đưa đi khám, lúc này các bác sĩ chỉ định đưa qua khám phụ khoa ở Bệnh viện Từ Dũ. Đến tháng 9, bé H. lại được làm xét nghiệm một lần nữa, nhưng đến nay các bác sĩ vẫn chưa thể chẩn đoán và kết luận chính thức bệnh của bé H..
Trao đổi về trường hợp của bé Đ.K.H., ngày 18-10, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, phó khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết trước đó Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mời các bác sĩ ở
Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM sang hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị dậy thì sớm ngoại biên. Bệnh nhi có nang buồng trứng hai bên, chính hai nang buồng trứng này gây ra bệnh dậy thì sớm ở trẻ. Vấn đề của các bác sĩ hiện nay là xác định xem nang buồng trứng này là nguyên phát hay thứ phát. Có nghĩa cần xác định nang buồng trứng này có phải là nguồn gốc duy nhất gây ra bệnh dậy thì sớm hay còn lý do gì ở não trẻ.
Thực tế các bác sĩ gặp nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh dậy thì sớm có nguyên nhân từ não. Với bệnh nhi này, các bác sĩ đã cho chụp MRI trên não, test nội tiết tố nhưng kết quả các xét nghiệm chưa rõ ràng nên chưa thể xác định. Trong khi đó, việc xác định nguyên nhân gây bệnh dậy thì sớm sẽ giúp bác sĩ có cách điều trị chính xác.
Hiện các bác sĩ cho bé H. về nhà để tiếp tục theo dõi, 3-6 tháng sau sẽ cho làm xét nghiệm lại. Tuy nhiên, cuối tháng này một giáo sư người Úc chuyên về nội tiết tố nhi sẽ đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 nên các bác sĩ sẽ mời gia đình đưa bé H. lên để chuyên gia khám, xác định nguyên nhân gây bệnh.
Theo bác sĩ Thúy, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang điều trị cho bảy
trường hợp dậy thì sớm, trong đó bệnh nhi này là trường hợp khó xác định được
nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ Thúy cũng cho biết trước đây bệnh viện từng gặp
2-3 trường hợp tương tự, sau một thời gian các bác sĩ đều xác định nguyên nhân
gây bệnh dậy thì là từ não của trẻ.
Khi xác định nguyên nhân gây bệnh từ não sẽ có thuốc ức chế (chích mỗi tháng một lần) những tín hiệu gây ra dậy thì sớm ở não, giúp trẻ đến tuổi bình thường mới dậy thì (khoảng 13 tuổi).
Còn khi xác định do nang buồng trứng gây ra sẽ phải điều trị bằng thuốc khi nang còn nhỏ hoặc phải cắt bỏ khi nang đã lớn. Trẻ dậy thì sớm mà không điều trị sẽ dẫn đến những hậu quả như bị lùn, khó hòa đồng với bạn bè, lão hóa sớm...
Theo Thùy Dương, Ngọc Hậu
Tuổi Trẻ