Vốn nổi tiếng là một người sạch sẽ, chị Minh Huyền ở Đống Đa, Hà Nội hết sức ngạc nhiên khi thấy vùng kín của mình ngứa dữ dội sau những ngày “đèn đỏ”.Sau khi dùng nước rửa vệ sinh và đặt thuốc chống nấm cũng không đỡ, chị Huyền phải tìm đến bác sĩ da liễu. Kết quả, theo BS Nguyễn Thành, BV Da liễu Trung ương, chị Huyền bị dị ứng do băng vệ sinh.
Bỗng dưng thấy… ngứa
Còn chị Kim Liên ở Hà Đông, Hà Nội đến bệnh viện khám khi đã bị đi tiểu buốt suốt cả tuần. Theo chị Liên, trong chuyến công tác, do “đến tháng” bất ngờ không chuẩn bị kịp băng vệ sinh nên chị phải dùng tạm một loại băng vệ sinh mua trên đường đi.
Dùng được một ngày, chị Liên cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu nhưng vì chuyến công tác kéo dài đến hơn nửa tháng nên đến khi về nhà, chị mới có điều kiện đi khám. Bác sĩ cho biết chị đã bị viêm đường tiết niệu do sử dụng băng vệ sinh bị nhiễm khuẩn, không đạt chất lượng.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân cách giữ vệ sinh âm đạo. Ảnh: M.Ninh
Theo một nghiên cứu của ngành y tế, băng vệ sinh nhái và giả có mức nhiễm nấm mốc cao gấp 48 lần và mức nhiễm khuẩn cao hơn gần 13 lần hàng thật. Nguyên nhân chính là quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, các chỉ số chất lượng (khả năng thấm hút, độ PH…) của băng vệ sinh giả kém nhiều so với hàng thật. Do đó, khi phát hiện thấy băng vệ sinh thấm hút kém, bông vón không đều, quăn lại nhiều nếp sau một thời gian ngắn sử dụng và đặc biệt sau 1 - 2 giờ đồng hồ đã thấy khó chịu, cần lập tức ngừng sử dụng.
Nên trung thành với một loại băng vệ sinh
Theo BS Nguyễn Thành, biểu hiện đầu tiên thường thấy nhất của dị ứng băng vệ sinh là sau khi trải qua kỳ kinh nguyệt, vùng âm đạo bị nổi mẩn ngứa, rát, sưng đỏ hoặc xuất hiện mụn nhỏ lấm tấm, ngứa nhiều. Nếu bị nặng hơn, bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, tức ngực. Một số trường hợp hiếm gặp có thể dẫn đến tử vong do ngộ độc, sốc phản vệ.
BS Minh Hương, BV Phụ sản Hà Nội, khuyến cáo, nếu từng bị dị ứng thì tốt nhất nên dùng các loại băng vệ sinh không có mùi thơm hoặc có chất liệu khác với loại đang sử dụng. Nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước sạch, sau đó lau khô, tránh để ẩm ướt.
Trong trường hợp phải dùng băng vệ sinh, nên thay sau 4 giờ, kể cả loại dùng ngày thường, vì nếu để lâu sẽ khiến vùng kín bị ẩm ướt và sinh nhiệt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển.
Nên sử dụng các loại băng vệ sinh đã được công nhận an toàn, có tác dụng thấm nhanh, hút nhanh cũng như có chọn lọc để phù hợp với làn da của khu vực nhạy cảm. Với những người có cơ địa dễ bị dị ứng, cần thận trọng khi thay đổi loại băng vệ sinh thường dùng.
Nếu gia đình có trẻ mới dậy thì, mẹ nên để ý hướng dẫn cho bé sử dụng băng vệ sinh đúng cách. Trong trường hợp đã sử dụng một loại băng vệ sinh ổn định thì nên dùng loại đó để tránh tình trạng dị ứng có thể xảy ra khi thay thế sản phẩm khác.
Theo Minh Ninh
Báo Đất việt