Một chế độ ăn giàu chất béo có khuynh hướng thúc đẩy sự ôxy hóa LDL. Axit béo omega-3 giúp ngăn chặn quá trình này xảy ra.
Nó cũng ảnh hưởng tới các tác nhân gây xơ vữa, giúp ngăn chặn hình thành cục máu đông và sự co thắt mạch vành, làm tăng lượng EDRF hay yếu tố làm giãn mạch máu có nguồn gốc từ các tế bào nội mạc.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, axit béo omega-3 được tìm thấy nhiều trong dầu cá, nhưng bên cạnh đó còn có ở ngũ cốc, đậu, tảo biển và các sản phẩm của đậu nành. Nên sử dụng axit béo n-3 từ những nguồn thức ăn thực vật hơn là từ cá.
Bởi cá tuy có nhiều EPA (axit béo không no) nhưng cũng chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol nên cá và dầu cá có khuynh hướng làm tăng LDL. Dầu cá chứa nhiều EPA hơn ngũ cốc và các sản phẩm từ đậu nành, điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu não.
Với những người mắc bệnh tiểu đường, dầu cá có thể gây đề kháng insulin và tăng mức đường máu.
GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, rối loạn và tăng lipit huyết, tăng cholesterol huyết và xơ vữa động mạch có liên quan chặt chẽ tới nguy cơ gây bệnh tim, mạch vành.
Biện pháp chủ động đề phòng và điều trị tốt nhất là giảm lượng chất béo ăn vào dưới 20 - 30%, axit béo bão hòa dưới 7-10%, lượng cholesterol dưới 150 -200mg/ngày.
Bất kỳ loại chất béo nào, dù là chất béo được coi là tốt cho cơ thể như dầu hạt cải, oliu... cũng vẫn có hại bởi vì tất cả các loại chất béo đều bao gồm ba thành phần, bão hòa, không bão hòa đơn và không bão hòa đa.
Vì vậy, khẩu phần ăn có chứa nhiều axit béo omega 3 (DHA, EPA) cũng không tốt, có thể tác động ảnh hưởng đến sự phát triển ung thư vú và kết tràng dù nó vẫn được dùng để phòng ung thư.