Vào đầu tháng 10, cả nước đã ghi nhận 66.312 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 61 phường, trong đó có 119 ca tử vong tại 25 tỉnh thành phố. Từ giữa tháng 9 báo cáo dịch tại các địa phương vẫn duy trì ở mức trên 2.000 ca mắc/tuần, tương đương khoảng 8-10.000/tháng và tuần nào cũng có ca tử vong.
Qua gần nửa tháng, tính đến nay cả nước đã có tới 71.472 ca mắc bệnh, trong đó có 130 trường hợp tử vong, đồng thời bệnh đã lan ra đến 63 tỉnh thành. Đó là chưa kể con số thống kê này mới chỉ dựa trên con số nhập viện điều trị nội trú, chưa tính số mắc điều trị ngoại trú.
Có thể thấy tình hình diễn biến của bệnh TCM ngày càng phức tạp và số ca mắc ngày càng gia tăng. Thế nhưng nhiều địa phương vẫn công bố dịch và cho rằng còn tình hình này còn nằm trong tầm kiểm soát của tỉnh. Bộ Y tế vẫn chưa thể công bố dịch vì chưa có ít nhất 2 tỉnh trong số 63 tỉnh thành có bệnh nhi mắc TCM công bố dịch.
Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp
Nhiều chuyên gia khẳng định bệnh TCM đã thành dịch, nhưng việc công bố dịch lại không được thực thi. Bệnh đã tăng lên quá mức bình thường và lan từ một số địa phương miền Nam ra khắp 63 tỉnh thành. Một số bác sĩ cũng khuyến cáo thời gian tới, thời tiết chuyển sang mùa mưa lũ bệnh lại càng có nguy cơ bùng phát.
Ý nghĩa của việc công bố dịch là để các địa phương tập trung nguồn lực cho phòng chống bệnh như đầu tư ngân sách cho phòng chống dịch, mua sắm các phương tiện kỹ thuật, thuốc men hỗ trợ và điều trị miễn phí cho tất cả bệnh nhân, cấp chi phí theo đúng quy định về công tác phí cho đội ngũ cán bộ nhân viên tham gia phòng chống dịch. Khi công bố dịch, người dân cũng sẽ đề cao tinh thần cảnh giác để phòng vệ, bảo vệ sức khỏe cho con em.
Với tình hình như hiện tại, không biết số ca mắc bệnh phải lên tới bao nhiêu và bao nhiêu tỉnh thành mắc bệnh nữa thì dịch TCM mới được công bố?
Theo Nguoiduatin