Hãng tin TASS của Nga ngày 22/8 dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Nga, ông Vladimir Matveyev cho biết Nga và Trung Quốc thống nhất kế hoạch tập trận hải quân chung trên Biển Đông sẽ diễn ra từ ngày 12-19/9.
Cuộc tập trận thu hút sự quan tâm chú ý lớn bởi nó diễn ra sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.
Trong một phát biểu được tờ New York Times dẫn lời, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Bonnie Glaser cho rằng cuộc tập trận là một trong chuỗi các biện pháp phản ứng trước phán quyết từ Tòa Trọng tài nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh, qua đó chống đỡ lại sức ép từ công chúng cũng như giới quân đội.
Vì thế, truyền thông Trung Quốc nói nhiều về cuộc tập trận này.
Thậm chí, Thời báo Hoàn Cầu (phụ trương của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) cho rằng cuộc diễn tập này xuất phát từ tính toán phối hợp chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, có tính răn đe và kiềm chế cũng như có ý nghĩa trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (phi pháp) ở Biển Đông.
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, sớm tuyên bố sẽ tập trận chung với Nga ở Biển Đông (từ ngày 28/7), phía Nga khá im lặng về vấn đề này, gần một tháng sau mới xác nhận thông tin về kế hoạch liên quan.
Điều đáng chú ý nữa là phía Nga chỉ cử một lực lượng rất hạn chế tham gia tập trận.
Tờ China Times của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 1/9 cho biết có tổng cộng 5 tàu Nga tham gia tập trận, gồm: tàu chống ngầm Đô đốc Tributs, tàu chống ngầm Đô đốc Vinogradov, tàu đổ bộ Peresvet, tàu kéo Alatau và tàu chở dầu Pechenga.
Tờ The Diplomat cho rằng quy mô như vậy là rất hạn chế. Hơn nữa, các chiến hạm mà Nga cử tới Biển Đông tập trận không phải là loại tàu tối tân nhất của nước này, chỉ có chiếc tàu đổ bộ Peresvet được hạ thủy vào đầu những năm 1990, còn hai chiếc tàu chống ngầm đều từ thời Liên Xô cũ.
Theo The Diplomat, Trung Quốc và Nga không có quan hệ liên minh quân sự chính thức, cho nên, tập trận chung giữa hai nước có ý nghĩa chính trị hơn là ý nghĩa thực chất, chủ yếu cho thấy quan hệ đối tác an ninh giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia vấn đề Đông Á của Nga, ông Sumsky, việc Nga tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông không phải là chỉ dấu của việc Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Nga vẫn không thay đổi lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông.
Trước đó vào ngày 14/7, tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố:
“Chúng tôi cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng như các thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN”.