Sự phức tạp đằng sau việc Mỹ đưa quân trở lại miền Đông Syria

Ngọc Thạch |

Vừa tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria, nay Mỹ lại đưa quân trở lại đây. Điều này có phần bất ngờ và khó hiểu.

Vì sao Mỹ đổi ý về việc rút quân khỏi Syria?

Sau quyết định sẽ rút hoàn toàn quân khỏi Syria, hồi đầu tháng này (ngày 9/10), Mỹ đã rút một số lực lượng khỏi vùng đông bắc Syria, tập trung ở biên giới Iraq. Nhưng những ngày qua, Mỹ lại triển khai 500 quân và các trang thiết bị, khí tài trở lại vùng chiến sự Idlib, Syria. Đây là một quyết định khá bất ngờ và khó hiểu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Điều này có thể được lý giải theo nhiều cách. Trước hết, quyết định đưa quân trở lại Syria của Mỹ là bất ngờ với nhiều người và dư luận nhưng có thể đó là nước cờ có sự thỏa thuận ngầm và có tính toán của các bên liên quan.

Thứ hai, Mỹ lý giải rằng quyết định này nhằm bảo vệ các mỏ dầu của Syria, ngăn IS giành lại quyền kiểm soát. Động thái này cũng được cho là nhằm ngăn chặn chính quyền Syria và Lực lượng Dân chủ người Kurd bắt tay, hưởng lợi từ việc khai thác các mỏ dầu ở đông bắc mà chiếm tới 90% lượng dầu của Syria. Mỹ cũng lo ngại nếu liên minh này được củng cố sẽ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ rút quân.

Thứ ba, quyết định rút quân khỏi Syria của ông Donald Trump cũng đang gặp lại sự phản đối, chỉ trích mạnh mẽ của nhiều phía. Người Kurd gọi đây là sự phản bội.

Trong khi đó ngay trên nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với những lời chỉ trích từ Đảng Dân chủ và Cộng hòa, khi cho rằng quyết định rút quân khỏi Syria sẽ cho phép IS tái xuất, làm mất uy tín của Mỹ với các đồng minh ở Trung Đông. Hạ viện đã bỏ phiếu vào tuần trước để lên án quyết định rút quân đội khỏi vùng đông bắc Syria của ông Donald Trump.

Thứ tư, Mỹ quyết định đưa quân trở lại Syria do lo ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể thực hiện các cuộc trả thù đồng minh Kurd khi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi vừa bị tiêu diệt. Thứ năm, việc thay đổi này được cho là nhằm cân bằng sự hiện diện của Nga.

Tác động lên khu vực

Đánh giá một cách tổng quan có thể nói tình hình Syria vốn rất phức tạp bởi vậy cuộc nội chiến và khủng hoảng ở nước này kéo dài gần 9 năm vẫn chưa có lối thoát và được dự báo còn kéo dài. Đây là cuộc chiến ủy thác giữa Mỹ và đồng minh với một bên là Nga, Iran và chính quyền Syria, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.

Chừng nào lợi ích của các bên còn chưa đạt được thì Syria và khu vực người Kurd còn bất ổn. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại của các bên liên quan ở Syria còn có những mâu thuẫn và các bên không dễ gì thay đổi chính sách của mình để đánh mất lợi ích từ uy tín, nguồn dầu mỏ, lẫn vai trò ảnh hưởng ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung.

Nhiều nhà phân tích cho rằng những gì đang diễn ra ở đông bắc Syria giống như “một vở kịch” của các bên liên quan và dường như có sự bắt tay hoặc thỏa thuận “ngầm” để cùng đạt được lợi ích tối đa.

Quân cờ ở đây là người Kurd và cũng là người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Do đó, việc các bên liên quan đưa ra quyết định ngắn hạn là điều bình thường nhưng chiến lược của họ vẫn không thay đổi. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã có thỏa thuận tuần tra chung và việc Mỹ tái triển khai quân trở lại chỉ làm cho Syria thêm bất ổn.

Ngẫu hứng hay có tính toán?

Nhiều người gọi các quyết định và chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là thiếu nhất quán, là "không sáng suốt".

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia Trung Đông lại cho rằng quyết định rút quân và đưa quân trở lại Syria của ông Donald Trump là chiến thuật có những tính toán. Bởi việc Mỹ rút khỏi miền bắc Syria không chỉ là một mũi tên độc cho người Kurd mà còn là một cái "bẫy" cho Erdogan và giảm tổn thất cho Mỹ.

Đầu tiên, Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria nhưng đồng minh là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã được Mỹ đào tạo, vũ trang và trang bị số lượng lớn các thiết bị quân sự tinh vi, có các phương pháp quân sự mới nhất.

Thứ hai, Mỹ tránh được một khoản tài chính lớn nếu tham gia thành lập vùng an toàn với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có chi phí cung cấp dịch vụ công cho hàng trăm ngàn và có thể hàng triệu công dân trong khu vực này. Thứ ba, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp phải sự phản kháng của quân đội chính phủ Syria và các cuộc đối đầu ở đông bắc có thể xảy ra.

Thứ tư, Mỹ rút khỏi Syria để các bên tự giải quyết và nếu cuộc tấn công thành công thì các lực lượng này có thể đối mặt với sự hiện diện của hàng ngàn chiến binh IS bị giam giữ trong các nhà tù của người Kurd, cùng với các vấn đề như đưa họ ra xét xử và kết án họ, chi phí giam giữ.v.v…

Thứ năm, vì sao Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào miền bắc nhưng có sự im lặng của Syria và Nga. Đây có phải là bằng chứng của sự chấp thuận và sự bắt tay của ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, và Iran.

Dư luận cũng cho rằng các kịch bản này có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc rút quân hoàn toàn khỏi khu vực Trung Đông, từ Iraq, Saudi Arab hay Kuwait của quân đội Mỹ.

Các căn cứ của Mỹ ở vùng Vịnh cũng được dịch chuyển phù hợp với những lời hứa mà ông Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Nhưng thực tế lợi ích quốc gia và chiến lược của nước Mỹ với Syria, Trung Đông đã và sẽ không thay đổi dù ông Donald Trump hay ai làm tổng thống.

Mặc dù muốn chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ ra nước ngoài nhưng ông Donald Trump vẫn kiên định giữ quân đội quanh các mỏ dầu ở phía đông Syria, cũng như duy trì quan hệ với các đồng minh chiến lược ở Trung Đông dù có những lúc căng thẳng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại