Su-35 đối đầu F-22, chuyện gì xảy ra?

Anh Minh |

Máy bay Sukhoi Su-35 Flanker-E là tiêm kích chiếm ưu thế trên không số 1 của Nga hiện nay, thể hiện đỉnh cao thiết kế của thế hệ máy bay thứ tư. Máy bay này vẫn giữ vị trí đó trong không quân Nga, cho đến khi các máy bay tàng hình thế hệ 5 PAK FA (Su-57) được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Su-35 có khả năng cơ động vô địch, hầu hết năng lực của hệ thống điện tử và vũ khí của nó được xem là ngang ngửa với các máy bay phương Tây, ví dụ F-15 Eagle.

Tuy nhiên, dù cho Su-35 có thể là đối thủ đầy chết chóc của các tiêm kích F-15 của Mỹ, Eurofighter của châu Âu hay Rafale của Pháp, câu hỏi lớn được đặt ra là Su -35 sẽ đối đầu với các máy bay tàng hình thế hệ 5 như F-22 hay F-35 ra sao.

Tất nhiên, trong thời đại tàng hình, chú tâm phát triển một máy bay thế hệ 4++ cho dù vẫn phát triển song song máy bay thế hệ 5, người Nga phải có cái lý riêng của họ.

Nếu chỉ so sánh cơ học bằng các thông số như sức mạnh radar, tầm bắn của các loại vũ khí, năng lực tàng hình… có lẽ kết quả sẽ chẳng khó đoán. Nhưng trong thực tế luôn có những yếu tố chứng minh tính toán bằng phép cộng đơn thuần sẽ cho kết quả sai lầm.

Máy bay Su- 35 là biến thể tiến hóa của dòng Su-27 danh tiếng, vốn đã ra đời ở thời kỳ cuối của Chiến tranh lạnh, có nghĩa là thiết kế của Su-27 đã tồn tại ít nhất 4 thập kỷ.

Thiết kế này ra đời với mục tiêu đối trọng với chiếc F-15 của phương Tây, một máy bay tiêm kích 2 động cơ đa nhiệm, kết hợp hoàn hảo giữa tốc độ và khả năng mang vũ khí, sự nhanh nhẹn trong không chiến quần vòng.

Mặc dù được xuất khẩu rộng rãi, dòng Su-27 chưa từng được ghi nhận đối đầu các tiêm kích phương Tây, nhưng trong cuộc chiến biên giới giữa Ethiopian và Eritrea, các máy bay Su-27 đã bắn hạ 4 máy bay MiG-29 mà không chịu bất cứ tổn thất nào.

Su-35 là thiết kế dựa trên nền tảng Su-27 nhưng còn tinh vi hơn và cao cấp nhất là dòng Su-35S. Khả năng điều hướng phụt đa dạng và tinh vi của động cơ Saturn AL-41F1S gần như không có đối thủ, khi trong số các máy bay phương Tây, chỉ duy nhất F-22 có khả năng tương tự.

Năng lực của động cơ cho phép Su-35 sử dụng góc tấn lớn, nói cách khác là máy bay có thể bay về một hướng trong khi mũi chĩa về hướng khác.

Bay với góc tấn lớn giúp máy bay bám mục tiêu đang đào thoát và thực hiện các động tác cơ động rất linh hoạt. Khả năng này không chỉ giúp máy bay chiếm ưu thế trong cận chiến mà còn giúp nó dễ dàng hơn trong việc tránh tên lửa đối phương.

Su-35 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 ở độ cao lớn (tương đương F-22 và nhanh hơn F-35 hay F-16) và có khả năng tăng tốc tuyệt vời.

Trong không chiến, không thể không đề cập năng lực vũ khí. Su-35 có 12-14 mấy treo, trong khi F-15C hay F-22 chỉ có 8, hay như F35 chỉ có 4 tên lửa giấu trong bụng.

Ở tầm xa, Su-35 có thể sử dụng tên lửa dẫn đường bằng radar K-77M với tầm bắn gần 200km. Su- 35 mang theo tên lửa tầm ngắn R-74 dẫn bắn bằng hồng ngoại, có năng lực xạ kích ngoài màn hình HUD của máy bay, đơn giản là phi công chỉ cần ngắm bắn qua ống ngắm gắn trên mũ và có thể bắt bám mục tiêu 60 độ so với hướng bay của chiếc tiêm kích.

Nói đơn giản là có thể ngoái đầu lại để ngắn bắn mục tiêu bằng ống ngắm trên mũ. Tên lửa R-74 có tầm bắn 40km. Ngoài ra Su-35 còn có các tên lửa tầm trung R-27 và tầm cực xa R-37, chưa kể pháo 30mm với 150 viên đạn.

Tuy nhiên, trên một bài báo viết cho National Interest, chuyên gia Mỹ Sébastien Roblin nói cải tiến đáng kể nhất của dòng Su-27 thể hiện trên Su-35 là hệ thống đối phó điện tử L175M Khibiny cực mạnh, có khả năng bóp méo sóng radar và đánh lừa tên lửa đối phương.

Máy bay được trang bị radar mảng pha IRBIS-E bị động, được hy vọng là có năng lực đối đầu với các máy bay tàng hình tốt hơn thế hệ trước.

Su-35 đối đầu F-22, chuyện gì xảy ra? - Ảnh 1.

F-22

Theo ông Roblin, Su-35 ngang ngửa, nếu không muốn nói là tốt hơn những máy bay thế hệ 4 tốt nhất của phương Tây. Năng lực thao diễn giúp Su-35 trở thành tiêm kích cận chiến không có đối thủ. F-22 hay F-35 sẽ nguy to nếu để Su-355 tiếp cận.

Tuy nhiên, với các tên lửa đời mới nhất (R-77, AIM-120…), không chiến có thể diễn ra ở tầm rất xa, trong khi các tên lửa tầm gần như AIM-9X (Mỹ) hay R-74 không yêu cầu phi công phải hướng mũi máy bay về phía mục tiêu.

Nhưng lợi thế của Su-35 về tốc độ (dẫn đến lợi thế về tốc độ tên lửa) và năng lực mang nhiều vũ khí được gia tăng khi không chiến ngoài tầm nhìn, trong khi hệ thống đối phó điện tử và sự nhanh nhẹn của Su-35 có thể giúp nó tránh thoát tên lửa đối phương.

Do vậy, cuộc đụng độ giữa Su-35 và F-22 hay F-35, nếu chưa diễn ra thì cũng khó mà dự đoán bên nào sẽ chiến thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại