"Cử chỉ đoàn kết" với Trung Quốc
Đánh giá của Sputnik được đưa ra trong bài phân tích đăng ngày 4/8 có tiêu đề "Người bạn lúc khó khăn: Trung Quốc ghép đôi với Nga ở biển Đông", trong đó đề cập lập trường của Nga liên quan đến biển Đông nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tái khẳng định Moscow phản đối "quốc tế hóa vấn đề biển Đông", Sputnik cho hay.
Theo Điện Kremlin, các tranh chấp trong khu vực nên được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan.
Nói cách khác, quan điểm này nhất quán với lập trường của Trung Quốc.
Hôm 28/7, Bộ quốc phòng Trung Quốc đã thông báo cuộc tập trận hải quân chung thường niên giữa Nga và Trung Quốc sẽ được tổ chức ở biển Đông vào tháng 9 tới, đồng thời nhấn mạnh hoạt động này "không nhằm vào bên thứ ba".
Thông báo trên đã châm ngòi những tranh cãi nảy lửa trên báo chí phương Tây, trong khi giới chuyên gia suy đoán khả năng hải quân Nga và Trung Quốc tiến vào những khu vực nhạy cảm trên biển Đông khi tập trận.
Cây viết trên tờ Vzglyad của Nga, ông Petr Akopov cho rằng, việc Moscow quyết định tổ chức tập trận chung với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình biển Đông căng thẳng "chỉ là một cử chỉ tượng trưng".
Ông đánh giá, trong khi liên minh NATO do Mỹ đứng đầu gia tăng sự quan tâm đối với diễn biến ở biển Đông, thì Nga không thể không "thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc".
Theo ông, Moscow không có ý định can thiệp vào các tranh chấp trong khu vực. Động thái của Nga chủ yếu nhằm "nhấn mạnh rằng các lực lượng bên ngoài không nên gây ảnh hưởng đến việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nước ở biển Đông".
Máy bay ném bom HK-6 của Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough trên biển Đông hồi giữa tháng 7. (Ảnh: Xinhua)
Thế tiến thoái lưỡng nan của Nga
Tiến sĩ Shannon Tiezzi, biên tập tạp chí Diplomat (Nhật Bản), nhận định Nga vẫn có mục tiêu cơ bản giống Mỹ khi kêu gọi tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tranh chấp ở biển Đông. Điều này xuất phát từ cân nhắc của Moscow trong quan hệ với các đối tác quan trọng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Nếu Nga tỏ ra quá thân cận với Trung Quốc, điều đó sẽ khiến các đối tác không hài lòng, bà Tiezzi nhận xét.
Moscow cũng đối mặt với sức ép phải duy trì trạng thái quan hệ ổn định với Bắc Kinh, trong bối cảnh hai nước đã bắt tay sâu hơn về hợp tác an ninh, bao gồm các cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải, biển Đen và biển Hoa Đông vào năm 2015.
Tiến sĩ Tiezzi nói rằng Nga có "tham vọng chung" với Trung Quốc là ngăn cản Mỹ được thừa nhận vị thế lãnh đạo toàn cầu. Đây là động cơ chủ yếu thúc đẩy "lợi ích" của Nga ở biển Đông, một khu vực vốn không có nhiều ý nghĩa về an ninh đối với Moscow.
Theo bà, tâm lý mâu thuẫn của Nga trong vấn đề biển Đông tương tự phản ứng của Bắc Kinh đối với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
"Trung Quốc chẳng thích thú gì, bởi từ quan điểm của họ thì việc cho phép một nhóm người trưng cầu để ly khai khỏi một quốc gia sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm.
Nhưng đồng thời, khu vực này không nằm trong lợi ích cốt lõi của các lãnh đạo Trung Quốc, và họ nhận thấy có nhiều lợi ích hơn bằng cách ít nhất là cho nước Nga thấy một biểu hiện ủng hộ," bà Tiezzi bình luận.
Bà Shannon Tiezzi cho rằng Nga đang cố tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa Trung Quốc và các đối tác ASEAN trên biển Đông. (Ảnh: The Diplomat)
Giải pháp an toàn?
Theo Shannon Tiezzi, Nga và Trung Quốc có thể "thỏa mãn nhu cầu" của nhau bằng cách tổ chức tập trận ở gần đảo Hải Nam, trong vùng biển không tranh chấp của Trung Quốc.
"Nếu chúng ta chứng kiến cuộc tập trận diễn ra ở khu vực không có tranh chấp, đó sẽ là giới hạn an toàn cho Nga," bà nói.
"Điều này cho phép Trung Quốc được tuyên bố 'chúng tôi đã tập trận chung với Nga ở biển Đông', còn Moscow có thể nói 'nhưng đó là ở vùng biển quốc tế không có tranh chấp'."
Về phía Trung Quốc, mặc dù phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ảnh hưởng phần nào đến thái độ và vị thế của nước này trong khu vực, Bắc Kinh vẫn "làm mềm" phản ứng của các láng giềng thông qua biện pháp ngoại giao.
Chuyên gia Vladimir Terehov từ tạp chí New Eastern Outlook viết trong một báo cáo phân tích: "Đúng như dự đoán, trên thực tế phán quyết của PCA không ảnh hưởng (hay ít nhất là chưa) tới chính sách của Trung Quốc trên biển Đông khi nước này vẫn khăng khăng tuyên bố phán quyết là vô hiệu."
Theo ông Terehov, đánh giá các tuyên bố từ giới lãnh đạo Trung Quốc, hoạt động bành trướng cơ sở hạ tầng (trái phép-PV), bao gồm các khí tài quân sự trên những đảo, đá ở biển Đông sẽ tiếp diễn.