Chưa từng có tiền lệ
Tại một vùng đất nhỏ ở Provence, Pháp, các nhà khoa học đang phải chiến đấu trong một trận chiến cam go để ngăn chặn đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất mà nước này từng phải đối mặt.
Tờ The Telegraph cho biết, được trang bị thuốc diệt côn trùng, các chuyên gia mặc đồ bảo hộ lao ra khỏi nhà từ trước bình minh để tiến hành phun thuốc tại những điểm nóng mà muỗi sinh sôi. Họ đang nỗ lực hạn chế sự lây lan của một loại virus thường chỉ phổ biến ở châu Á và Nam Mỹ: virus sốt xuất huyết.
Cho đến thời điểm này vào năm 2022, ghi nhận 63 người mắc bệnh sốt xuất huyết - một loại virus cúm - trên 5 điểm lây truyền bệnh ở Pháp, vượt qua con số được ghi nhận ở nước này trong toàn thập kỷ qua. Trong toàn năm 2020, nước này chỉ ghi nhận 14 ca nhiễm bệnh.
Grégory L’Ambert, nhà côn trùng học phụ trách kiểm soát muỗi vằn châu Á ở vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, cho biết: “Đó là điều chưa từng có tiền lệ."
Các đợt bùng phát chứng minh một điều rằng muỗi vằn đang trở nên phổ biến hơn ở châu Âu do khí hậu đang nóng lên. Loài muỗi này trước giờ thường chỉ phổ biến ở châu Á.
Cho đến năm nay, đợt bùng phát sốt xuất huyết lớn nhất đã từng được ghi nhận ở Pháp là đợt bùng dịch ở thành phố Nîmes, phía Đông Nam nước này vào năm 2015 với 8 ca bệnh. Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là các ca bệnh nhập khẩu từ các vùng lãnh thổ ở Tây Ấn hoặc ở Ấn Độ Dương hoặc do các du khách trở về Pháp từ châu Á và Nam Mỹ.
Tuy nhiên, vào mùa hè năm nay, cơ quan y tế của vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur đã phát hiện 31 ca nhiễm sốt xuất huyết tại địa phương. Sau đó, nước này tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp tại ổ dịch khác.
Muỗi hành quân
Các chuyên gia cho biết, mùa hè ấm áp và sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 có thể góp phần khiến cho con số nhiễm sốt xuất huyết tại quốc gia châu Âu này trở thành kỉ lục.
Bệnh sốt xuất huyết có thể được du nhập bởi những người đi du lịch, nhưng sự hiện diện phổ biến hơn của loài muỗi vằn gây ra bệnh này trong năm nay có nghĩa là dịch bệnh đã có thể tự tồn tại và lây nhiễm ở Pháp.
Marie-Claire Paty, người điều phối việc giám sát các bệnh do véc-tơ truyền tại Sante Publique France, cơ quan y tế quốc gia, cho biết: “Không có gì ngạc nhiên. Với sự lây lan liên tục của muỗi, việc được đi du lịch lại sau hai năm bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19 và khí hậu đặc biệt thuận lợi cho bệnh dịch vào mùa hè này, mọi thứ đều kết hợp lại với nhau để số ca nhiễm tăng vọt”.
Didier Fontenille, thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển ở Montpellier, cho biết, sự phổ biến của loài muỗi vằn ở Pháp khiến cuộc sống của ông đã trở nên cực kì khó khăn vào mùa thu năm nay. "Điều đầu tiên tôi làm là bôi thuốc chống muỗi vào mỗi buổi sáng," ông nói. "Trong vòng 4 đến 5 năm nữa, cả nước Pháp sẽ sống chung với muỗi. Đó chỉ còn là vấn đề về thời gian thôi."
Khả năng bùng phát
Cho đến nay, chưa ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết tại các địa phương nào khác ở châu Âu.
Johanna Fite, phụ trách các bệnh do véc-tơ truyền tại Anses, cơ quan y tế quốc gia, cảnh báo Pháp không tránh khỏi tình trạng tăng đột biến số lượng lớn các trường hợp nhiễm bệnh nhập khẩu từ nước ngoài.
Trả lời tờ Le Monde, bà Johanna Fite cho biết: "Các sự kiện thể thao như World Cup bóng bầu dục năm 2023 và Thế vận hội Olympic Paris năm 2024 sẽ có thể khiến số ca bệnh ở Pháp sẽ tăng vọt."