Rận mu liên tục tấn công người Hà Nội

Lệ Nam |

Theo PGS TS Nguyễn Văn Châu – khoa Côn trùng học, Viện sốt rét và Ký sinh trùng trung ương cho biết gần đây Hà Nội xuất hiện nhiều bệnh nhân đến khám vì bị rận mu tấn công.

Khốn khổ vì rận mu

Trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn trú tại Hà Đông, Hà Nội đến khám trong trạng thái lo lắng vì đã bôi thuốc da liễu mấy tháng nay không khỏi.

Anh Tuấn cho biết anh thường xuyên bị ngứa phần mu và vợ cũng thế. Nhất là ban đêm, hai vợ chồng cứ thi nhau gãi. Có lúc, anh muốn gãi cho rách da, rách thịt mà vẫn không chán.

Hai vợ chồng đều bị nên sinh ra nghi ngờ. Vợ anh Tuấn lúc nào cũng mỉa mai cho rằng chồng mang bệnh lạ về nhà. Có những lúc, chị còn giận dỗi vì ngứa quá không chịu được.

Một lần, chị đi khám sản và có chia sẻ với bác sĩ về chứng ngứa điên đảo ở vùng mu. Bác sĩ cạo hết lông và soi thấy có trứng rận.

Lúc này, chị được giới thiệu về phòng khám chuyên khoa của Viện sốt rét và ký sinh trùng. Tại đây, bác sĩ khám phát hiện chị bị rận mu và chị đã gọi điện cho chồng đến khám luôn.

Bác sĩ đã cho thuốc bôi sau 3 ngày, anh Tuấn phản hồi tình trạng ngứa đã không còn nữa. Rận mua đã giúp họ giải tỏa được nghi ngờ mang bệnh xã hội về nhà.

PGS Châu cho biết trường hợp của anh Bùi Hoàng Ngọc trú tại Từ Liêm, Hà Nội cũng tương tự. Anh Ngọc đến khám khi bị rận tấn công.

Anh Ngọc ngứa nhiều quá nhất là về đêm. Ngứa không chịu được, có lúc đang ngủ phải bật dậy soi xem cái gì mà ngứa thế. Anh Ngọc tự tay bắt được hai con rận nhìn như con chấy ngày xưa.

Anh còn tưởng bị chấy ở vùng kín nên đã gội thật sạch bằng dầu gội đầu nhưng vẫn không ăn thua.

Cuối cùng, anh Ngọc mới tìm đến phòng khám của Viện sốt rét và ký sinh trùng vì tìm trên mạng rất giống với triệu chứng của rận mu.

Rận mu lây như nào

PGS Châu nhìn lại danh sách bệnh nhân, ông cho biết có nhiều người và đến rải rác khắp quận huyện ở Hà Nội.

Đặc biệt tầm tháng 8, tháng 9 có đến hàng chục bệnh nhân bị rân mu tấn công. Trong số đó, nhiều chị em phụ nữ bị rận tấn công, gãi nhiều gây trầy xước cả da. Họ ngại không dám đi khám cứ mua thuốc về bôi nhưng không khỏi.

Rận bẹn lây qua quần áo hoặc trực tiếp lây cho nhau. Đặc điểm bám víu vào những chỗ có lông thậm chí bu lên cả lông mi, lông mày nhất là ở trẻ em. Sau đó, chúng hút máu vào ban đêm để sống.

Vì thế, PGS Châu cho rằng mọi người không nên mặc chung quần áo, không dùng chung chăn, chiếu và khăn tắm, không quan hệ tình dục bừa bãi, không mặc quần lót chật, nhất là vào mùa nắng nóng.

PGS Châu cho biết rận bẹn có tên khoa học là Phthirus pubis, gây ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 2% dân số thế giới. Loài côn trùng này không có cánh, ký sinh và hút máu cơ thể người, hút nhiều lần trong ngày.

Sau khi hút máu thường để lại những vết thâm đen và chai cứng. Chúng sinh sản rất nhanh (đẻ trứng). Triệu chứng thường gặp là gây ngứa dữ dội, bắt buộc người bệnh phải gãi, nhiễm trùng da…

Loại rận bẹn chỉ gây ngứa về ban đêm, sau khi cơ thể hoàn toàn nghỉ ngơi, ngủ say. Lúc này rận mới cào cấu da, hút máu gây ngứa ngáy, khó chịu.

Về điều trị, theo ông Châu: “Nếu được xác định chính xác, việc điều trị không khó khăn. Nhưng nếu không điều trị dứt điểm, việc gãi ngứa gây trầy xước da có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn".

Khi bị bệnh, cần làm sạch nơi ở để loại bỏ rận, dùng thuốc DEP để diệt rận. Có thể diệt rận mu bằng cách dùng bông gòn, thấm dầu hoả (dầu hôi) chà lên toàn bộ khu vực có rận mu và để 30 phút sau, rận mu sẽ bị tiêu diệt.

Ngoài ra có thể dùng thuốc trừ sâu hữu cơ Cypermethyl hoặc Pyrethrin (cúc trừ trùng) trong các bình xịt muỗi. Tuy nhiên, cần đến để bác sĩ tư vấn và kê thuốc để có thế chữa triệt để chứng rận mu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại