Bệnh nhân Vũ Thị Thái Hà trú tại Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội đang điều trị ảo thanh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Chị là một trong hơn mười bệnh nhân đang điều trị trầm cảm ở đây. Nói chuyện với chúng tôi, mẹ chị Hà cho biết, không hiểu nguyên nhân vì sao mà con gái bà mắc chứng bệnh lạ.
Lúc tỉnh táo, chị Hà vẫn nói chuyện bình thường. Chị bảo trong đầu chị luôn có người thúc giục cho rằng chị phải trốn tránh chồng.
“Người ta nói với em rằng anh ấy có bồ, nếu em không tránh xa ra sẽ có ngày bị anh ấy giết. Em không biết âm thanh từ đâu nhưng rõ ràng có người nói với em như thế.
Chỉ cần nhắm mắt vào là em nghe thấy người thúc giục em phải chạy trốn, em càng chạy, người ta càng bảo em chồng đuổi phía sau càng khiến em sợ hãi”.
Thở dài trong ánh mắt thất thần của con gái, bà Mãn mẹ của chị Hà kể, cuốc sống vợ chồng chị Hà khá êm ấm. Mấy năm trước, họ có cửa hàng thuốc tân dược ở phố Trương Định.
Tuy nhiên, chồng chị Hà lại nhượng lại cửa hàng cho vợ chồng em gái anh ta. Từ đó, vợ chồng chị Hà hay cãi nhau vì không chung quan điểm.
Chuyện vợ chồng cãi vợ, nhiều lần chồng chị Hà không kiềm chế đã giơ tay đánh vợ. Khi chị Hà mang thai con thứ hai, chị bị dọa sảy thai nên phải ở nhà “treo chân”.
Hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau hơn. Có lúc, chồng chị Hà đã đánh vợ vì cái tội lắm mồm.
Sau sinh con, chị Hà rơi vào trạng thái trầm cảm. Gia đình bà Mãn đưa con về nhà nghỉ ngơi hai tháng nhưng lúc nào chị Hà cũng bảo mẹ “con sẽ ly hôn”.
Khi thấy con gái nói thế, bà Mãn chỉ biết động viên con cố gắng vì các con. Từ khi về nhà, chị Hà ít nói. Mẹ chồng chị đến bế hộ con chị cũng tỏ vẻ không thích. Chị bắt đầu mất ngủ.
Có người xui khiến chồng giết vợ
Khi đến tháng đi làm trở lại, chị Hà bất ngờ đến công ty xin nghỉ không lương thêm thời gian. Bà Mãn cảm nhận rõ con gái có sự thay đổi. Bà bảo con đi kiểm tra sức khỏe nhưng chị Hà chủ quan không đi.
Khoảng 2 tháng sau, chị Hà bắt đầu có biểu hiện lo lắng và cho rằng chồng đòi giết mình. Nhiều lần, bà Mão nhớ đang đêm chị gọi điện cho bố mẹ nói “anh ta đòi giết con”.
Vợ chồng bà Mãn gọi điện cho con rể hỏi thì anh ta không biết gì, anh ta cũng đang ngủ. Mẹ chồng chị Hà còn kể mỗi ngày đi ngủ, chị Hà đều sợ, hai mẹ con ôm nhau ra phòng khách.
Chị cho rằng nằm cạnh chồng sẽ bị chồng giết chết. Lâu dần, nhìn thấy chồng là chị Hà bỏ chạy và la hét.
Vào tháng 9, gia đình đưa chị Hà đi khám bệnh tại khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ cho biết chị bị một dạng trầm cảm sau sinh.
Sau đó, chị Hà được chuyển sang điều trị tại một bệnh viện tâm thần khác. Được hơn 1 tháng, chị về nhà uống thuốc thường xuyên nhưng bệnh có dấu hiệu nặng.
Bà Mãn cho biết chị Hà có biểu hiện lờ đờ, run chân tay, chứng hoang tưởng nặng hơn và mất ngủ liên miên.
Sau đó, gia đình đưa chị Hà xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trị. TS Tô Thanh Phương, trưởng khoa Bán cấp tính nữ cho biết chị Hà nhập viện trong tình trạng lơ mơ, có ảo thanh xui khiến.
Sau khi được bác sĩ điều trị bằng biện pháp dùng thuốc chống trầm cảm, kích thích từ xuyên sọ, tình trạng bệnh của chị Hà đã thuyên giảm nhiều.
Ảo thanh là một dạng biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt (TTPL). Người bị chứng ảo thanh thường bị ra lệnh hủy hoại một phần cơ thể, tự sát hoặc giết người.
Ảo thanh thường chia thành hai dạng: ảo thanh ra lệnh (chiếm khoảng 27%) và ảo thanh bình phẩm (chiếm khoảng 72%).
Với ảo thanh bình phẩm, bệnh nhân thường nghe văng vẳng bên tai những lời khen, chê, nói xấu hoặc cổ vũ… nên họ thường ngồi cười hoặc la hét một mình.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ dẫn đến các hành vi tự hủy hoại bản thân mình. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
TS Phương cho biết phương pháp phòng ngừa tốt nhất cho chứng bệnh này là nên giữ một tinh thần hài hòa, tránh lo âu, thức khuya, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi điều độ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi