Kể từ khi căn bệnh HIV/AIDS xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta đã đạt được những bước tiến dài trong công việc phòng chống lại căn bệnh này.
Từ chỗ coi HIV/AIDS là một tệ nạn xã hội, người ta đã nhìn nhận đúng đắn hơn về căn bệnh có khả năng lây truyền này, đánh giá đúng mức độ nguy hiểm nhưng không kỳ thị đối với người có H.
Cho đến nay, HIV/AIDS đã "giảm nhiệt" khá nhiều ở Việt Nam bởi chúng ta đang tiến dần đến mục tiêu thanh toán căn bệnh này vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo các nhà quản lý và nghiên cứu về HIV/AIDS, một thực trạng đáng lo ngại là căn bệnh này vẫn tiếp tục diễn tiến, tuy có âm thầm hơn, trong cộng đồng.
Hãy chung tay quét sạch căn bệnh HIV/AIDS.
Theo Ths. Võ Hải Sơn (Phòng theo dõi, đánh giá, xét nghiệm – Cục phòng chống HIV/AIDS), trong quý 1 năm 2015, số người nhiễm HIV mới ở Việt Nam là 1504 người, tương đương với con số 20 người nhiễm HIV mới một ngày.
Trong số đó, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 836 người, số người tử vong là 228 người.
Điều đáng lo ngại là nhóm đối tượng lây nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa dần, hiện nay đang tập trung ở nhóm tuổi từ 16 - 39. Nhóm độ tuổi này chiếm tới 79% trong số người nhiễm.
Thêm nữa, con đường lây nhiễm HIV cũng có sự thay đổi, tỷ lệ người lây nhiễm qua đường tình dục cao hơn lây qua đường máu.
Đặc biệt, do nguồn lây là đường tình dục nên tỉ lệ nữ giới bị lây nhiễm bệnh có xu hướng tăng lên. Con số nữ giới bị lây nhiễm HIV tăng lên đồng nghõa với việc nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng tăng lên.
Số người nhiễm HIV có mặt ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Theo thống kê của Phòng theo dõi, đánh giá, xét nghiệm – Cục phòng chống HIV/AIDS, hơn 80% số xã, phường trên cả nước có người nhiễm HIV.
Nhìn vào các con số nói trên có thể thấy thực trạng nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn còn khá phức tạp đòi hỏi cơ quan chức năng và người dân không được lơ là trong chiến dịch phòng chống căn bệnh này.
Mỗi người hãy tự có ý thức bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm "căn bệnh thế kỷ".