Các thầy thuốc Y học cổ truyền cho rằng, một số bệnh có khả năng giúp cơ thể bài trừ độc tố ra bên ngoài. Khi mắc phải các chứng bệnh này, tốt nhất nên để cơ thể tự hồi phục, việc uống thuốc quá sớm sẽ gây suy yếu khả năng miễn dịch.
Ho khan
Đây là một chứng bệnh đường hô hấp tương đối phổ biến. Trên thực tế, ho khan ở thể nhẹ lại có lợi cho cơ thể trong việc giải độc.
Khi niêm mạc đường hô hấp phát hiện dị vật, yếu tố kích thích hoặc chứng viêm, cơ thể sẽ có phản ứng ho khan. Những cơn ho này có tác dụng tiêu trừ dị vật xâm nhập và loại bỏ yếu tố kích thích hô hấp.
Bởi vậy, việc dùng thuốc điều trị ho khan quá sớm ngược lại sẽ khiến bệnh tình nặng thêm. Dị vật, bụi bẩn bị mắc kẹt trong đường hô hấp càng khiến chứng viêm trở nên trầm trọng.
Đối phó với những cơn ho khan, chúng ta chỉ cần tăng cường giữ ấm, bổ sung thêm nước, đồng thời tránh ăn hồ tiêu, cà rốt cùng các thức ăn cay nóng khác.
Nếu ho khan đi kèm với các triệu chứng như sốt, đau họng, sút cân, người bệnh nên tìm đến bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất.
Nôn mửa
Nôn mửa là phản xạ có tính phòng ngừa của cơ thể, có tác dụng giảm thiểu sự hấp thu, đồng thời “tống tiễn” những vật chất gây hại ra ngoại.
Nếu chỉ bị nôn mửa đơn thuần, người bệnh không nên vội uống thuốc. Việc cản trở cơ thể nôn ra những chất độc sẽ khiến độc tố lưu lại trong người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Người bị nôn mửa nên tùy vào mức độ mà bổ sung lượng nước thiếu hụt, tránh gây rối loạn các chất điện phân trong cơ thể. Khi triệu chứng này đi kèm với dấu hiệu khó chịu ở vùng thượng vị thì tiến hành massage vùng bụng.
Sau khi nôn mửa, người bệnh nên bổ sung dinh dưỡng bằng các đồ ăn dễ tiêu, không nên ăn cơm, chú ý hoạt động nhẹ nhàng, thả lỏng cơ thể sau bữa ăn.
Lưu ý: Cần đặc biệt cảnh giác khi xuất hiện các triệu chứng nôn mửa nhiều lần, đi kèm với đau bụng, phát sốt.
Tiêu chảy
Phân lỏng hay có mùi bất thường là dấu hiệu cơ thể vừa đào thải ra ngoài các độc tố gây hại cho sức khỏe.
Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên tăng cường uống nước, ăn ít, đến khi dứt bệnh mới nên ăn nhiều trở lại. Cách tốt nhất cải thiện tình hình cho người bị tiêu chảy là uống một cốc nước ấm để hỗ trợ ruột nhanh chóng đào thải độc tố.
Tiêu chảy ở thể nặng là khi bệnh nhân đi tả liên tiếp nhiều lần, mỗi lần ra ít phân, hậu môn đau đớn, đại tiện ra máu hoặc đau bụng, phát sốt. Nếu có các dấu hiệu trên, người bệnh cần nhanh chóng gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Chảy máu mũi
Máu cam được xem là phương pháp “tự giải nhiệt” của cơ thể.
Khi chúng ta ít uống nước, ăn cay quá nhiều hoặc gặp tiết trời hanh khô, trong người sẽ bị “phát nhiệt”, cơ thể tự khắc lựa chọn niêm mạc mũi làm con đường “giải tỏa”.
Nếu bắt gặp tình trạng này, chúng ta chỉ cần hướng người về phía trước để máu ra dễ dàng hơn, sau đó dùng khăn giấy lau nhẹ nhàng. Nếu lượng máu chảy ra quá lớn, nên tạm thời bịt mũi lại một lúc.
Tình trạng này chỉ trở nên nguy hiểm khi máu chảy không ngừng. Đó rất có thể là dấu hiệu của chứng xơ cứng động mạch hoặc bệnh cao huyết áp.
Sốt
Phát sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể vượt quá 37 độ. Những nghiên cứu Y học đã chứng thực khả năng miễn dịch của tế bào tăng theo nhiệt độ cơ thể.
Hơn nữa, khi thân nhiệt tăng, nồng độ ion sắt trong máu giảm, khiến cho các vi khuẩn gây bệnh bị ức chế. Do đó, nếu vội vàng uống thuốc hạ sốt trong tình trạng trên ngược lại sẽ khiến mầm bệnh sinh sôi, bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thân nhiệt không vượt quá 38 độ, tinh thần và khả năng ăn uống không bị ảnh hưởng thì người bệnh chỉ cần chườm, uống nhiều nước, bổ sung khoáng chất, vitamin và ăn một số thực phẩm bổ dưỡng và dễ tiêu.
Tuy nhiên, nếu thân nhiệt vượt quá 38,5 độ hoặc sốt nhẹ liên tục kèm theo các dấu hiệu như phát ban, đau đầu, đau khớp, co giật, người bệnh cần nhanh chóng tới bác sĩ để được điều trị kịp thời.
* Theo Sina Health