Không biết mắc viêm gan B, thai phụ suýt chết

N. Huyền |

Ngỡ cảm giác mệt mỏi, chán ăn là do mang bầu, chị Linh (Nghệ An) không thể ngờ những biểu hiện đó là căn nguyên khiến chị rơi vào hôn mê, ngấp nghé cửa tử.

Thoát án tử nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị

Vừa thoát án tử, khuôn mặt chị Linh vẫn còn hằn dấu vẻ mệt mỏi. Da bớt vàng hơn nhưng hai mắt thì vẫn nhuộm màu vàng như nghệ. Gượng ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường, chị thều thào kể lại thời gian kinh hoàng vừa qua.

“Vốn không được khỏe mạnh, nên ngay từ khi biết có thai tôi đã nghén lên, nghén xuống. Không ăn, không uống được gì, vạ vật qua ngày.

Cứ ngỡ qua 3 tháng đầu tình trạng nghén đỡ hơn, ai dè người vẫn cứ bồng bềnh lơ lửng mãi khi thai đã được 14 tuần. Trong khi đó, lần chửa trước tôi không hề bị tình trạng kinh khủng như thế này” – chị Linh nói.

Mệt mỏi, vật vờ thành mãi thành quen nên dù chán ăn chị vẫn cứ nghĩ do nghén. Thậm chí đi tiểu thấy màu khá vàng chị cũng cho rằng do uống thuốc can xi và sắt.

Nhiều người thấy chị da vàng, mắt vàng cũng nhắc nhở chị đi kiểm tra, nhưng chị Linh vẫn cho rằng sắc tố da của chị từ trước vẫn thế.

Giờ không ăn, ngủ được càng khiến da xấu hơn. Vì thế, tất cả những biểu hiện trên, chị Linh cho rằng đó là do …chửa.

“Một ngày ở cuối tuần thai thứ 14, tôi choáng váng, lả đi rồi không biết gì. Khi tỉnh lại thì đã thấy mình trong viện” – chị Linh rơm rớm nước mắt kể lại.

Người dân nên đi làm xét nghiệm xác định nguy cơ nhiễm virus viêm gan
Người dân nên đi làm xét nghiệm xác định nguy cơ nhiễm virus viêm gan

BS. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Linh được chuyển đến viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê do viêm gan B rất nặng.

Đến nay, sau 3 tuần điều trị tích cực, sản phụ đã không còn tình trạng hôn mê, sự sống cơ bản đã được hồi sinh, đặc biệt cái thai trong bụng bệnh nhi vẫn tốt (đã được 17 tuần) tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần được điều trị tiếp.

“Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, thì đây là lần mang thai thứ 2, bản thân bệnh nhân chưa từng đi xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan nên không hề biết mình bị bệnh.

Chỉ đến khi nhập viện trong tình trạng nguy kịch thì mới biết mình mắc phải.

Sản phụ sợ quá trình điều trị phải sử dụng nhiều thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nên muốn bỏ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyên giữ lại”- BS Tuấn cho biết thêm.

Lý giải về việc này, BS Tuấn giải thích: Về nguyên tắc thai đã hơn 3 tháng thì không can thiệp. Ngoài ra, nếu mổ lấy thai vào thời điểm này sẽ rất nguy hiểm, có thể gây chảy máu ồ ạt có thể khiến sản phụ tử vong.

Vì thế, theo BS Tuấn khi dùng thuốc “chúng tôi luôn cố gắng chọn loại ít ảnh hưởng nhất đến thai nhi”.

Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư gan, tử vong sớm

BS Tuấn ái ngại cho biết, bệnh viêm gan diễn biến âm thầm, nhưng nguy hiểm vì điều trị tốn kém. Viêm gan virus là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư gan và tử vong.

Hiện tỷ lệ nhiễm viêm gan ở nước ta khá cao. Ước tính có khoảng 10-20 triệu người mắc gan B và khoảng 5 triệu người nhiễm viêm gan C. Đây chính là lý do mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi căn bệnh này là kẻ giết người thầm lặng.

Theo BS Tuấn, bệnh cảnh viêm gan virus rất đa dạng, không tương xứng với độ nặng của bệnh, gây khó khăn khám và điều trị.

Với triệu chứng lâm sàng của nhiễm virus viêm gan cấp chủ yếu thường là sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, da và củng mạc mắt vàng.

Tuy nhiên, BS Tuấn cũng nhấn mạnh với những trường hợp nhiễm virus mạn tính các triệu chứng thường không điển hình khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn muộn- xơ gan, ung thư gan; khi đó chi phí điều trị đắt đỏ, tiên lượng xấu.

“Chi phí riêng tiền thuốc viêm gan C ước tính khoảng 100-120 triệu đồng/năm, viêm gan B là 300 – 400 triệu/năm. Trong khi đó người nhiễm virus viêm gan B hầu như phải dùng thuốc suốt đời”- BS Tuấn nói.

Với chi phí điều trị khá tốn kém như hiện nay khiến đây cũng là lý do nhiều trường hợp phát hiện bệnh cũng chủ quan, không thường xuyên khám, theo dõi hoặc không theo hết cả liệu trình điều trị. Hậu quả là, bệnh càng tiến triển nhanh và nặng hơn, thời gian sống bị ngắn lại.

Các chuyên gia cho rằng, điều trị viêm gan virus B mạn tính có thể sử dụng thuốc kháng virus nhằm ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế được các biến chứng của bệnh.

Để phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus viêm gan, đặc biệt là virus viêm gan B và C, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần được thăm khám và xét nghiệm nhiễm virus viêm gan B và virus viêm gan C.

Để phòng bệnh, BS Tuấn khuyến cáo, tốt nhất đối với virus viêm gan B là tiêm phòng vắc xin cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tất cả mọi người chưa bị nhiễm virus viêm gan B.

Riêng đối với virus viêm gan C chưa có vắc xin phòng bệnh nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp chung như sàng lọc máu, sử dụng bơm kim tiêm một lần và quan hệ tình dục an toàn.

“Đối với phụ nữ nhiễm virus viêm gan B mang thai thì cùng với việc khám thai định kỳ người mẹ cần được xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm virus viêm gan B để có các biện pháp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

Theo đó, các bác sĩ sẽ chỉ định cho thai phụ uống thuốc kháng virus trong 3 tháng cuối thai kỳ khi tải lượng virus của mẹ cao và tiêm kháng huyết thanh cùng vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh”- BS Tuấn nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại