Bộn bề nỗi lo dịch chồng dịch

Thời điểm mùa hè, nguy cơ xuất hiện nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, tả... nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không quyết liệt.

Ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết như trên tại Hội nghị đánh giá công tác phòng chống sởi và tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng - sốt xuất huyết do Sở Y tế tổ chức ngày 5-5.

Theo thống kê, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc tay chân miệng với hai ca tử vong. Còn tại Hà Nội, tính đến ngày 4-5, thành phố ghi nhận 192 trường hợp mắc, chưa ghi nhận ca tử vong. Về sốt xuất huyết, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội ghi nhận 37 ca bệnh, không có ca tử vong.

Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đánh giá: "Điều đặc biệt nguy hiểm của dịch tay chân miệng là hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Với bệnh sốt xuất huyết thì diễn biến rất khó lường vì phụ thuộc vào yếu tố khí hậu, các cơ quan y tế không thể dự đoán dịch sẽ bùng phát lúc nào vì đường lây truyền của bệnh chính là muỗi”.

Nhận định về nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, ông Cảm cho rằng, với tình trạng thiếu nước sạch nên người dân phải tích trữ nước, tình trạng thuê trọ tại khu vực nội thành, các công trình xây dựng dang dở như hiện nay... khả năng dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại (sau thời kỳ đỉnh dịch năm 2009) là rất cao.

Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống bệnh tại Hà Nội trong tháng năm như tổ chức tập huấn cho mạng lưới cộng tác viên tại 30 xã phường trọng điểm, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết đợt một vào tháng năm và tháng sáu.

Dịch sởi ở Hà Nội đang chững lại

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tính đến ngày 4-5, Hà Nội đã có hơn 4.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, với 1.500 trường hợp dương tính với sởi, phân bổ rải rác ở 538 xã, phường ở 30 quận, huyện. Ở Hà Nội, dịch sởi xảy ra trên diện rộng, nhưng không xuất hiện tình trạng ổ dịch tập trung mà chỉ rải rác, mỗi phường xã từ ba đến bốn bệnh nhân mắc sởi.

Theo ông Cảm, sở dĩ có điều này là do nền tảng tiêm chủng của Hà Nội tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng sởi trên địa bàn thành phố đạt khoảng 98%, không xuất hiện những vùng trũng về tiêm chủng.

Tuy nhiên lý giải việc Hà Nội chiếm khoảng 50% ca tử vong và gần 30% so ca mắc sởi của cả nước, ông Cảm cho rằng, dịch sởi không bất thường vì không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới trong đó có các nước láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippiens... với số mắc tăng cao.

"Dịch sởi ở Hà Nội cũng không có gì bất ngờ vì nó nằm trong dự đoán của ngành Y tế Hà Nội từ cuối năm 2013. Cũng trong thời gian đó, Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn phòng dịch", ông Cảm nói.

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thì cho rằng, sở dĩ số bệnh nhân tử vong do sởi ở Hà Nội chiếm tỷ lệ cao là do công tác phân tuyến điều trị cho bệnh nhân chưa tốt. Hầu hết bệnh nhân bỏ qua cơ sở khám chữa bệnh ban đầu mà lên thẳng y tế trung ương dẫn tới việc lây nhiễm chéo và quá tải cho bệnh viện tuyến trung ương.

Ông Hạnh cũng lo ngại khi hiện nay tại các bệnh viện tuyến trung ương vẫn còn khoảng 10 bệnh nhân của Hà Nội đang trong tình trạng nặng, phải thở máy, nguy cơ tử vong do sởi vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới. Hiện, dịch sởi tại Hà Nội đang có xu hướng chững lại và giảm dần, nhưng điều đó không có nghĩa là dịch đã được kiểm soát hoàn toàn, công tác phòng dịch không vì thế mà chủ quan lơ là.

Ông Hạnh cho rằng, khâu then chốt trong phòng dịch vẫn là tuyên truyền để người dân đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch ở cả cơ sở tiêm chủng mở rộng lẫn dịch vụ. Bên cạnh đó các cơ sở tiêm chủng cần có biện pháp để hạn chế tình trạng quá tải tại các điểm tiêm chủng gây tâm lý bức xúc cho nhân dân.

Từ ngày 12-5, Hà Nội bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ từ hai đến dưới 10 tuổi ở các địa bàn trên toàn thành phố. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã thực hiện việc tiêm vắc-xin sởi kép gồm: Sởi, quai bị, rubella cho khoảng gần 50.000 trường hợp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại