Nguy hại "khôn lường" nếu bạn sử dụng ngải cứu không đúng cách

Thái Phong (T.H) |

Không thể phủ nhận những lợi ích của ngải cứu. Tuy nhiên, cái gì ăn nhiều quá cũng không tốt, đặc biệt là ngải cứu, bởi nó còn chứa nhiều độc tố mà không phải ai cũng biết.

Những thông tin dưới đây hẳn sẽ làm bạn giật mình. Hãy nhớ sử dụng ngải cứu một cách vừa phải và đúng cách để loại rau này trở thành một loại thực phẩm - vị thuốc có ích cho sức khỏe.

1. Ăn nhiều ngải cứu có thể trúng độc:

Tinh dầu trong ngải điệp là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là thành phần có độc tính trong ngải cứu.

Nếu dùng ngoài, có thể làm cho niêm mạc da bị nóng rát, đỏ ửng.

Dùng uống trong với liều khoảng 3-5g có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị, ăn ngon miệng hơn. Nhưng dùng liều cao có thể dẫn tới phản tác dụng hoặc bị trúng độc.

Biểu hiện:

Ban đầu, miệng và họng bị kích thích nhẹ, họng người bệnh có cảm giác khô, khát. Sau khi dùng thuốc khoảng nửa giờ, xuất hiện cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị; đau bụng, lợm giọng, buồn nôn, nôn… do dạ dày, ruột bị viêm cấp tính.

4 tác hại khôn lường nếu bạn sử dụng ngải cứu không đúng cách

Ngải cứu rất tốt nhưng ăn nhiều cũng rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

2. Ăn nhiều ngải cứu hại thần kinh:

Nếu dùng quá nhiều ngải cứu, thần kinh trung ương của bạn có thể bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay run giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật.

Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói sàm, thậm chí tê liệt.

Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh,…

3. Bà bầu dùng nhiều ngải cứu dễ sảy thai:

Khi có thai, nếu chị em ăn ngải cứu với tần suất 1 đến 2 lần trong tuần thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bản thân và thai nhi, vì ngải cứu không gây kích thích tử cung.

Nó có tác dụng xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng và được sử dụng trong một số bài thuốc dành cho người bị động thai hay sảy thai liên tiếp.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới đây cho thấy bà bầu ăn quá nhiều ngải cứu trong ba tháng đầu mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bị ra máu, co bóp cổ tử cung nên dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.

Chính vì thế, bà bầu nên chú ý khi ăn ngải cứu để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

4. Ăn nhiều ngải cứu hại gan:

Tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là một thành phần có độc tính.

Nếu bạn ăn quá nhiều ngải cứu, chất này có thể đi vào gan, gây ra các rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria)

Người viêm gan đặc biệt nên tránh xa thực phẩm này.

Sử dụng bao nhiêu thì đủ?

Nếu sử dụng lá ngải cứu sắc uống thay trà, chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi). Chỉ nên sử dụng theo từng đợt, khỏi bệnh thì nghỉ.

Đối với những chị em cần dùng món “trứng gà ngải cứu” để tẩm bổ hoặc để an thai,… chỉ nên dùng 3-5 ngọn nhỏ (9-15g tươi), tránh dùng quá liều. Cần bỏ thói quen xin nhà hàng cho thêm ngải cứu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại